Phông chữ
Tôi tình cờ quen Phương tại một quán ăn nhỏ của người Việt Nam, tôi cũng tình cờ nghe chính Phương kể về cuộc sống của mình nơi đất khách quê người.

Phương quê ở Quảng Ninh, bằng tuổi tôi, 26, xa nhà đã được ba năm, tuy vậy vốn tiếng Đức rất hạn chế, chỉ đủ để đọc thực đơn và tính tiền cho khách, thỉnh thoảng đôi ba câu „Xin mời, cám ơn“. Trong suốt ba năm Phương lưu lạc hết quán ăn này đến quán ăn khác làm chân chạy bàn thuê. Phương không xinh cũng không xấu, nhưng khuôn mặt của cô không dễ gây thiện cảm với người đối diện cho lắm bởi vì gò má cô cao quá tạo cho khuôn mặt vẻ hốc hác đáng thương, kèm theo nước nhợt nhạt nên nhìn cô người ta cảm thấy sự mệt mỏi trong cả thể xác và tinh thần.

Lúc đầu tôi có tò mò hỏi chị chủ quán là Phương có gia đình chưa, chị chủ quán nói Phương có chồng rồi, nhưng khi hỏi lại Phương thì cô lại nói chưa, tôi chả hiểu thế nào nữa, nhưng cũng bỏ qua tai chẳng để ý. Đến một hôm trời mưa to quá hai mẹ con tôi không về được nên tôi chui tạm vào quán trú mưa và bất đắc dĩ nghe câu chuyện của Phương.

Phương có người yêu ở quê, hai người định sau khi Phương tốt nghiệp cấp ba sẽ cưới, nhưng trời xui đất khiến thế nào cho cô gặp lại bà cô họ xa lơ xa lắc từ kiếp nào ở Tây về chơi, bà cô hỏi Phương, mày có thích sang với cô không? Sang kiếm tiền mấy năm rồi về lấy chồng cho có vốn có liếng. Gia đình Phương đồng ý, Phuơng đồng ý nhưng người yêu của cô thì không vì anh phản đối cái cách đi Tây của của cô: hôn thê giả. Bà cô họ giới thiệu cho cô một người Đức, theo kế hoạch, Phương sẽ kết hôn với người đàn ông này, người mà cô chẳng biết mặt mũi thế nào, già hay trẻ, có què cụt hay dị tật bẩm sinh làm sao,…Nhưng Phương vẫn đồng ý, và một năm sau Phương đặt chân đến cái đất nước xa lạ lạnh lẽo, trắng xoá đầy tuyết này từ đây cô bắt đầu cuộc sống bồi bàn của mình. Phương khoe ông chồng Tây có thỉnh thoảng thoảng gửi quà và đến thăm, nói dăm ba câu ngồi nhìn nhau rồi về, vì ông ở cách xa Phương những 500 km.

Phương kể tháng trước Phương làm ở một thành phố khác, nhưng vì lý do gì đó lại thôi nên chuyển đến đây làm cho vợ chồng chị chủ quán này. Chị vợ đang có mang con nhỏ nên không đi bưng bê được nên đành nhờ đến Phương. Tôi cũng tình cờ hơn nhiều lần nhìn thấy tấm lưng trắng muốt của Phương phơi bày trước mắt anh chủ quán đang chờ vợ đẻ khi cô lúi húi dọn dẹp trong quán, không hiểu vô tình hay cố ý đôi khi cả cái dây nhỏ xíu dưới cạp quần Jeans.

Một tháng sau tôi gặp lại Phương, cô nói cô không làm ở đây nữa mặc dù chị vợ anh chủ quán vẫn chưa đẻ. Tôi hỏi thế Phương định làm gì bây giờ? Phương chép miệng nói: Chẳng biết nữa, có khi về ở với bà cô vài tháng rồi tính tiếp. Phương thở dài: Nhớ người yêu quá, biết thế này ở nhà cho xong, …

Tôi chúc Phương may mắn tìm được chỗ làm mới, tôi còn về nhà kịp giờ nấu bữa tối cho ông xã, tôi chợt thấy mình hạnh phúc biết bao khi có mình có một nơi để về, có một người để mình chờ đợi. Phương cũng vậy, Phương có một nơi để về có một người để chờ đợi nhưng…chẳng biết nữa. Tôi thở dài bằng cái thở dài của Phương.