Phông chữ

Vào ngày quốc khánh của Đức 03.10 vừa qua tôi cùng gia đình với vài người bạn dạo chơi tại Berlin và sau đó ghé vào TTTM vừa là mua sắm ít đồ ăn Châu á và cùng vào quán Việt nam thưởng thức các món ăn mang đậm đà hương vị quê hương.

Khi đi mua sắm cũng như khi ngồi vào quán ăn tôi vẫn gặp những cảnh tượng mà đã từ rất lâu tôi trăn trở, bức xúc và đã hơn 1 lần tôi hoặc là góp ý trực tiếp với các nhân viên, tiếp viên hay với các ông, bà chủ Doanh nghiệp nhưng tình hình không có gì thay đổi.

Khi vào cửa hàng Châu á mua đồ ăn thì hầu như các nhân viên không hề chào hỏi khi nhìn thấy khách đi vào cũng như cảm ơn khi khách trả tiền. Tôi nghĩ rằng khi khách đến quầy thu ngân trả tiền thì ít ra nhân viên cũng chào 1 câu „chào… anh, chị, chú, cô… vân vân“ thế thôi, chưa cần yêu cầu hỏi thêm những câu khác như tại các Siêu thị của Đức ta thường nghe như „alles in Ordnung?... haben Sie noch einen Wunsch? …“ hay „quý khách có cần thêm gì không? …“ và khi khách trả tiền thì nhân viên thu ngân tại các quầy Châu á này cũng không hề có 1 lời cảm ơn, thậm chí vừa thu tiền vừa gọi điện thoại mà không thèm nhìn vào mặt khách khi chính tôi là người khách trả tiền mà lại nói lời cảm ơn. Cũng may có 1 ngoại lệ là tại cửa hàng Châu á của anh chị T + L tôi luôn nhận được những câu chào hỏi, sự phục vụ tận tình và lời cảm ơn của chính ông bà chủ khi tôi mua hàng. Mặc dù có những mặt hàng không rẻ bằng những nơi khác và lại nằm cuối Halle chứ không tại đầu Halle thuận tiện như những quầy khác nhưng tôi vẫn thích mua tại đây vì thái độ phục vụ và văn hóa ứng xử của cửa hàng này. Tôi vào quán của người Đức bồi bàn hay dùng những từ „xin mời“ „cảm ơn“ khi tôi ra về họ cảm ơn nồng hậu 1 lần nữa và hẹn mong gặp lại lần sau. Tại hầu hết các quán trong Đồng xuân tôi thấy thiếu nét văn hóa ứng xử này. Nhân viên mang đồ ăn ra cho khách không hề chúc khách ăn ngon miệng, thậm chí cá biệt có trường hợp đẩy đĩa đồ ăn hay đặt cốc đồ uống lên bàn cho khách mà ngoái cổ nhìn đi chỗ khác rồi quay ngoắt đi không một lời với khách rằng: mời anh, mời chị chứ tôi chưa dám mơ rằng tôi được chúc ăn ngon! Khi ra về tôi cũng thèm được nghe những câu đại loại như „cảm ơn anh, chị… lần sau ghé lại ủng hộ quán nhé…“ thế nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ cho đến ngày hôm nay mà thôi.

Phải chăng các chủ doanh nghiệp thấy rằng không cần đòi hỏi nhân viên của mình phải có thái độ phục vụ tận tình, chu đáo lịch sự có văn hóa với khách vì tại Berlin người Việt không có nhiều chọn lựa mà chỉ có thể mua sắm thực phẩm hay thưởng thức ẩm thực tại 2 TTTM? Tôi chưa bàn đến vấn đề nhân viên phải mặc áo mang Logo của Doanh nghiệp để khi khách cần hỏi gì thì hỏi đúng nhân viên nhưng thiết nghĩ các chủ Doanh nghiệp cũng nên nghĩ đến điều này vì khi khoác trên mình màu cờ, sắc áo của Doanh nghiệp thì trách nhiệm và văn hóa ứng xử của nhân viên sẽ được nâng cao hơn.

Chúng ta khi còn bé vẫn luôn được cha mẹ, ông bà dậy dỗ  ăn nói, thưa gửi lễ phép theo tinh thần „tiên học lễ, hẫu học văn“, đó chính là nét đẹp của văn hóa dân tộc mà bao đời cha ông ta đã gìn giữ lưu truyền cho hậu thế đến ngày nay. Nay khi chính chúng ta đã là cha, mẹ, ông bà chúng ta cũng phải có trách nhiệm giữ gìn dạy dỗ cho con cháu tuyền thống và nét đẹp Văn hóa này. Muốn vậy chúng ta phải làm gương, thực hiện trong sinh hoạt hàng ngày cho thế hệ con cháu chúng ta noi theo. Con cháu chúng ta đã bị thiệt thòi là không được ông bà, họ hàng tại Việt nam thường xuyên nhắc nhở chỉ bảo như những trẻ em khác sống tại quê nhà cho nên chúng ta càng phải chú trọng hơn việc làm gương và dậy dỗ cho các cháu giao tiếp ứng xử có văn hóa, lịch sự.

Nếu bàn về Văn hóa ứng xử của người Đức và so sánh với người Việt thì chúng ta thấy họ rất lịch sự, khi gặp nhau họ bắt tay chặt, tự tin, bình đẳng chào hỏi niềm nở và không bị địa vị xã hội hay giầu nghèo chi phối. Người Việt chúng ta có truyền thống tốt là tôn trọng người cao tuổi nhưng thường hay bị dè dặt và có xu hướng bị Địa vị xã hội cũng như giầu nghèo chi phối trong khi giao tiếp dẫn đến thiếu tự tin, không bình đẳng.

Người Đức thường cố gắng tỏ rõ bản lĩnh, năng lực và lòng nhiệt tình của mình trong công việc nên họ cũng đánh giá người khác qua công việc của họ và tôn trọng, ngưỡng mộ những ai bằng chính năng lực, lòng kiên trì  của mình đạt được thành công. Người Đức rất tự hào với truyền thống gia đình, dòng họ. Người Việt chúng ta cũng có những đức tính tốt như khiêm nhường, bày tỏ lòng biết ơn với người khác. Trong công việc thì người Việt dễ thích nghi với công việc mới  khi có yêu cầu của chủ Doanh nghiệp hơn người Đức. Chúng ta cũng rất coi trọng và tự hào về truyền thống gia đình, nhưng hay có xu hướng tự ti và thế hệ U 40, U 50 hiện nay ở Đức rất ngại học hỏi thêm tiếng Đức hay nghề gì mới khi công việc kinh doanh hiện tại của mình không thuận lợi do phạm vi giao tiếp bị hạn chế.

Thêm vào đó chúng ta ít tin tưởng vào pháp luật mặc dù đang sống tại Đức là 1 nước mà mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, cũng có thể do ảnh hưởng của Luật pháp Việt nam bao nhiêu năm qua bị các cơ quan hành pháp thực hiện không nghiêm túc nên hình thành trong chúng ta quan niệm Luật pháp là 1 sự áp đặt từ bên ngoài vào cuộc sống và làm ảnh hưởng đến lợi ích của mình. Chính vì vậy chúng ta ít tôn trọng Pháp luật và thường hay xử sự theo hiểu biết của cá nhân mà không có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn Luật pháp để đảm bảo quyền lợi của mình trước Pháp luật. Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin trong khi giao tiếp và cách ứng xử của người Việt chúng ta.

Trường học tại Đức dậy cho con em chúng ta phải có ý thức coi trọng quyền công dân của mỗi con người, tin tưởng vào quy định của Luật pháp để thực hiện và đảm bảo công lý xã hội và quyền lợi, sở hữu cá nhân. Từ nhỏ khi còn đi nhà trẻ tại Đức, con cháu chúng ta đã được các cô dậy cho tính tự lập, ngủ riêng độc lập để có khả năng sống tự lập sau này cho nên các cháu rất tự tin và bình đẳng trong giao tiếp, đó là đều rất đáng quý, chúng ta cần khuyến khích, động viên các cháu về đểm này. Thêm vào đó theo tôi thì chúng ta cũng bồi dưỡng thêm cho các cháu tình cảm gắn bó gia đình, trân trọng tình cảm với hàng xóm, láng giềng theo tinh thần „bán anh em xa, mua láng giềng gần“ tạo cho các cháu cách ứng xử lễ độ, đúng mực và có văn hóa trong gia đình, với xóm giềng.

Một nét Văn hóa ứng xử mà tôi muốn nhắc đến nữa là giờ giấc của người Việt. Có rất nhiều chuyện cười ra nước mắt do thói quen „giờ cao su“ của chúng ta và những bất đồng trong gia đình giữa bố mẹ và những đứa con „đúng giờ như người Đức“. Do chúng ta chịu ảnh hưởng tôn giáo, mà chủ yếu là Phật giáo, khá đậm nên chúng ta quan niệm thời gian là vòng luân hồi (sinh tử) có sự gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, có thể chúng ta không ý thức được điều này một cách rõ rệt nhưng nó vẫn hiển hiện trong suy nghĩ, việc làm và cách ứng xử của chúng ta hàng ngày. Chính vì vậy chúng ta có cách ứng xử hòa nhã với nhau hơn không khắt khe như người Đức, nhưng theo tôi do xuất xứ từ 1 nền nông nghiệp lúa nước, sản xuất nhỏ lẻ, không bị sức ép của 1 nền Công nghiệp hiện đại nên khái niệm thời gian của chúng ta cũng được co giãn tùy theo thời vụ nông nghiệp như câu „ đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải gai“, mặc dù ý của câu này là khuyên răn người ta không nên vội vàng hấp tấp, làm việc thiếu suy nghĩ chín chắn, nhưng đã bị nhiều người cố tình hiểu sai để biện minh cho „ giờ cao su“ của mình. Thói quen không đúng giờ của chúng ta đôi khi để lại những hậu quả nghiêm trọng, nếu không thì cũng làm mất đi sự tôn trọng của người khác với chúng ta, kể cả lớp trẻ. Khi sắp xếp thời gian chúng ta hay bị lẫn lộn giữa làm việc và vui chơi, nghỉ ngơi. Chúng ta chưa sử dụng rạch ròi, hợp lý được thời gian trong cuộc sống, đôi khi còn tùy hứng và tin tưởng vào sự ngẫu nhiên, may rủi cho nên mới có quan niệm cho rằng giầu, nghèo, thành công hay thất bại là do số phận chứ không phải do sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân. Đến khi bước vào tuổi 60, khi mà „quỹ thời gian“ không còn nhiều nữa, vì chúng ta đã phung phí quá nhiều khi còn trẻ, thì đành tặc lưỡi mà than rằng „âu cũng tại số trời“ !!??

Vậy người Đức họ quan niệm thế nào về thời gian? Chúng ta phải công nhận là phần lớn họ có thói quen rất đúng giờ. Họ thường sắp đặt công việc chính xác theo thời gian, hoạt động đúng giờ. Họ sử dụng, phân chia thời gian hợp lý, mọi công việc họ đều cố gắng hoàn thành càng nhanh càng tốt với tinh thần „ việc hôm nay không để đến ngày mai“. Họ coi trọng tri thức khoa học do sống trong 1 nước có nền Công nghiệp hiện đại, họ có tư duy tuyến tính nên mọi việc được sắp xếp khoa học, có kế hoạch cụ thể, tiết kiệm thời gian vì người Đức quan niệm „thời gian là tiền bạc“ cho nên họ quan niệm cái gì đã trôi qua là thuộc về quá khứ, ít có quan niệm lưu truyền như chúng ta.

Thiết nghĩ trong văn hóa ứng xử  của mỗi dân tộc đều có những mặt tích cực, tốt, hay và những điều còn hạn chế, không hay. Không có ai là hoàn hảo nhưng mong muốn trong bài viết này của tôi là những bậc làm cha mẹ như chúng ta hãy tự mình cố gắng nâng cao văn hóa ứng xử của mình trong giao tiếp để làm gương và dậy bảo cho con cháu chúng ta tiếp thu được nền văn hóa hiện đại, văn minh của Đức nhưng vẫn giữ được những điều tốt đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt nam nhằm tạo được hình ảnh tốt đẹp của người Việt trên nước Đức và qua đó nâng cao được uy tín cũng như sự tôn trọng của người Đức với chúng ta.

Đôi điều trăn trở xin được cùng chia sẻ với bà con.

  • Liễu Châu, tapchihuongviet.eu Tháng 10. 2012