Phông chữ

Tôi lặng lẽ cầm cuốn sổ tay có ghi bài thơ tôi viết cách đây hai năm trong một buổi chiều của mùa đông giá buốt, sẽ sàng đặt lên bàn thờ trước di ảnh người vợ quá cố của tôi, người mà tôi suốt đời không bao giờ quên, người đã cùng tôi lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm cuả vùng nông thôn nước Đức để mưu sinh mà lòng như trĩu nặng, hai hàng nước mắt tự nhiên lăn xuống nóng hổi trên gò má và tràn lên đôi môi mặn chát.

Vậy là đã hai cái tết tôi phải đón xuân một mình, giữa cái không khí lạnh lẽo của mùa đông châu Âu cộng với nỗi cô đơn hoang vắng của cõi lòng mình. Tôi thắp 3 nén hương, cố nén nỗi đau đang giằng xé trong lòng, thì thầm trước di ảnh vợ như thủa nào còn ở bên nhau... "Em à, em có biết không, quê mình bây giờ đã là giao thừa rồi đấy. Vậy là một cái tết nữa lại đến rồi. Năm nay đã là năm thứ hai chúng mình không được gần nhau, không có em anh buồn vô cùng. Tết này anh cố lùng mua được túi hành Việt Nam và muối chua để em về thưởng thức, cái món em vẫn thường ao ước mỗi độ xuân về mà anh vẫn chưa kiếm được. Sang năm chúng mình sẽ cùng đón tết ở Việt Nam. Anh sẽ đưa em về cùng anh để em bớt lạnh lẽo…"

Tôi nói với vợ mà như tự trách lòng mình. Trong khói hương nhạt nhoà nhìn vào đôi mắt vợ tôi, tôi như cảm thấy em đang mỉm cười độ lượng và hy vọng rằng ở cõi xa xăm kia em sẽ thông cảm cho nỗi dằn vặt của tôi bởi đã hai năm tôi chưa mang được em về với mẹ và chưa trọn lời hứa với em và với chính lòng mình.

Thắp hương cho vợ xong tôi lặng lẽ kéo ghế ngồi sát bên cửa sổ, ngoài trời tuyết lại rơi dày, phủ trắng trên những cành bạch dương trơ trọi và chiếc ghế băng không người. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi mạnh làm những bông tuyết bay giữa không trung vắng lặng xua tan đi cái sự tĩnh mịch cuả vùng quê nước Đức. Châm điếu thuốc hít một hơi thật dài tôi bần thần nhớ lại cái buổi chiều định mệnh (cũng là buổi tối 30 tết Việt Nam) của hai đứa chúng tôi.

Sang Đức được 4 năm, chúng tôi yêu nhau và đến với nhau bằng một cái đám cuới giản dị theo kiểu nửa Tây nửa Ta. Công việc của hai đứa chúng tôi là tự kinh doanh bán hàng quần áo ngoài chợ. Vợ tôi chăm chỉ tiết kiệm, không quản ngại nắng mưa hay bão tuyết. Là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả nên em luôn sống giản dị chan hoà. Nhiều lúc tôi hay đùa em là em giản dị quá nên cái ước mơ cuả em cũng giản dị. Cho đến ngày này cách đây hai năm, em nói với tôi rằng nếu vậy hôm nay em thử ước mơ thật giản dị xem anh có đáp ứng được không nhé. Và em nói với tôi năm nay chúng mình đón một cái tết thật Việt Nam, em muốn có có đủ “dưa hành thịt mỡ bánh chưng xanh“. Tôi cười và nói với em rằng "Chuyện vặt! Năm nay giao thừa vào ngày phiên chợ, mình sẽ nghỉ sớm để cùng nhau vào khu trung tâm giao hàng cuả người Việt, anh sẽ mua cả mấy cân dưa muối cho em đỡ thèm".

Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi bắt đầu dọn hàng, vừa dọn tôi vừa ngẫu hứng đọc cho em mấy câu thơ mà có lẽ lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng em biết được ông chồng yêu quí của em cũng biết làm thơ:

…Về thôi em tuyết đã buốt bàn chân,

Gió thông thốc trên làn da tím tái

Phiên chợ cuối tuần chẳng người qua lại

Về đi thôi còn kịp đón giao thừa…

Em cười rộ và nói rằng "thơ con cóc mà nghe cũng hoàn cảnh phết". Ôi tiếng cười của em thật hồn nhiên làm sao. Nó như phá tan đi cái ảm đạm cuả buổi chợ vắng lặng hắt hiu. Chúng tôi dọn xong hàng thì trời tuyết rơi dày, hai đứa lên xe và phóng về hướng trung tâm thành phố. Tuyết rơi mỗi lúc càng dày thêm, chiếc gạt nước xua liên hồi nhưng cũng không sao đuổi hết những bông tuyết cứ lao vào kính xe như đám ong vỡ tổ. Tôi bắt đầu thấy tay lái mình chệch choạc và chiếc xe cứ thế trôi đi trong tuyết trắng bồng bềnh. Trong sự mất bình tĩnh, tôi chỉ biết co chân đạp phanh theo phản xạ và trong tích tắc cả chiếc xe chất đầy quần áo và ô, sạp văng đi trong tiếng thét thất thanh của vợ.

Tôi tỉnh dậy khi quanh mình quấn trắng băng và chằng chịt những dây, vừa lờ mờ nhìn thấy cô y tá tôi vội hỏi thăm tình hình sức khỏe cuả vợ, cô ấy nói rằng vợ tôi hiện đang điều trị, tôi cứ yên tâm. Tuy vậy ruột gan tôi cứ như bị ai đang cấu xé, tôi có linh tính cái gì đó chẳng bình thường trong câu nói cuả cô y tá kia.

Tôi lại thiếp đi mệt mỏi, sáng hôm sau tỉnh dậy tôi nhận ra vợ chồng người bạn thân của chúng tôi nhà cách mấy cây số đang ngồi cạnh mình. Vừa nhìn thấy tôi chị vợ không nín được xúc động đă bật khóc và thế là tôi lại thiếp đi trong cái nỗi đau cùng cực của cả thể xác lẫn tinh thần. Chẳng biết tôi đã chết đi sống lại bao lần như thế cho đến ngày tôi khỏe hẳn và xuất viện.

Những ngày tháng tiếp theo với tôi thật sự khủng khiếp. Tôi trở thành kẻ cô đơn lạc lõng với thương tật vĩnh viễn mất sức lao động, sống mòn mỏi nơi đất khách quê người. Vết thương cơ thể và nỗi đau tinh thần như càng hành hạ tôi cứ mỗi độ xuân về. Tôi quyết tâm năm sau sẽ hoàn thành thủ tục xin hồi hương và đưa di cốt người vợ yêu thương cùng với đứa con chưa kịp biết cất tiếng chào đời về với quê hương đất mẹ để mỗi năm tết đến em tôi không còn phải mơ ước một cái tết có đủ thịt mỡ dưa hành và để chính tôi không phải đớn đau mỗi khi đón giao thừa mà trong khói hương kia thiếu đi cái hương vị giản dị quê nhà mà tôi đã hứa với em…

Ngoài trời tuyết vẫn rơi, ba nén nhang trên bàn thờ vợ tôi đã cháy hết khi nào. Tôi lặng lẽ đi nằm…

Berlin giao thừa 2012.

  • Phạm Thế Năng, VNE