Phông chữ

(Cảm nhận nhân đọc bài thơ: "Tặng tình" của nữ  sĩ Lý Phương Liên)

TẶNG TÌNH

Ai làm cầu bắc qua sông

Cho bờ em lại phải lòng bờ  anh

Ai cho chim cả trời xanh

Để  đầy tiếng hót trên cành yêu đương

Ai cho thuyền vượt sóng cồn

Anh bẻ lái, em giương buồm đi xa…

Thơ  nào nói đến đôi ta

Nghe tình yêu đã chảy ra cuộc  đời

(Rút trong tập CA BÌNH MINH, NXB Văn học năm 2011)


Bài thơ lục bát gọn gàng, chặt chẽ trong cấu tứ  và niêm luật, chỉ có tám dòng nhưng mở  ra một không gian và thời gian không giới hạn. Tình yêu chân chính vốn như vậy đấy, như ngọn nguồn suối mát lành lặng thầm thành những dòng sông trĩu nặng phù sa, để "Anh bẻ lái, em giương buồm đi xa…"

Đại từ phiếm chỉ: "Ai" được đặt ở đầu bài thơ và láy lại đến ba lần sao mà đắc dụng. Đã bao người tốn giấy mực lý giải chữ "Yêu" mà không tìm được lời giải trọn vẹn. Chỉ biết rằng khi người con trai và người con gái đã được sợi tơ hồng của ông tơ bà nguyệt xe duyên, là những trái tim son trẻ rung lên cung đàn muôn điệu của tình yêu, gắn kết họ với nhau, những bông hoa nhè nhẹ tỏa hương, những chú chim lựa những hợp âm trong vắt trong vòm lá, trời như xanh hơn, cuộc sống đáng yêu hơn trong từng hơi thở, trong mỗi ánh mắt trao duyên tình tứ. Ẩn dụ "Bờ anh" và "Bờ em" nghe nhẹ như không nhưng hàm chứa bao điều lớn lao. Nếu không chung nhịp đập của con tim thì làm sao "phải lòng" nhau được, chắc mãi xa nhau bên bồi, bên lở. Nhân vật trữ tình Em và Anh trong bài thơ như đôi chim tung cánh trên bầu trời cao rộng, thả xuống những tiếng hót diệu kỳ, bất tận của tình yêu. Mỗi cành xanh đầy sức sống như lách tách chồi non mơn mởn, đơm hoa kết trái. Và con thuyền tình băng băng trên muôn lớp "sóng cồn". Hình ảnh "Anh bẻ lái, em giương buồm đi xa…" thấm đẫm chất liệu dân ca làm cho bài thơ vượt lên khuôn khổ của một đôi người yêu nhau cụ thể, mà như lời yêu của muôn người và muôn đời.

Bài thơ khép lại với hình ảnh:

Thơ nào nói đến đôi ta

Nghe tình yêu đã chảy ra cuộc  đời

Cứ  dư ba, lan tỏa những gợn sóng dịu êm ru mãi đôi bờ khát vọng. Hình tượng dòng sông trong bài thơ phải chăng chính là dòng sông tình yêu muôn thưở!

  • Hà Nội 9.1.2012, Trần Vân Hạc