Phông chữ

Năm 2011, hai tác giả Cà  Văn Chung và Trần Vân Hạc  đã giúp một sinh viên của  Đại học Văn hóa làm khóa luận tốt nghiệp: “Một số làn điệu  “khắp” phổ biến của người Thái  đen ở huyện Mường La”  – Sơn La. Khóa luận này đã đạt 9,9 điểm. Hai tác giả Cà Văn Chung và Trần Vân Hạc trích giới thiệu một phần nói về những đặc trưng cơ bản của thơ Thái, với mong muốn giúp bạn đọc hiểu thêm về thơ Thái và nên dịch sang ngôn ngữ phổ thông như thế nào để gần với nguyên tác nhất cả về nội dung và nghệ thuật:

    Kho tàng truyện thơ Thái, Việt Nam vô cùng phong phú cả về nội dung và nghệ thuật. Nhiều tác phẩm đã được dịch ra ngôn ngữ phổ thông và được giảng dạy trong nhà trường, đặc biệt thiên truyện thơ: “Xống chụ xon xao” – Tiễn dặn người yêu. Thơ Thái rất phong phú về cả nội dung và nghệ thuật, song khi dịch sang ngôn ngữ phổ thông, mỗi  dịch giả lại thể hiện với những hình thức khác nhau: văn xuôi, thơ tự do, thơ song thất lục bát… Vậy thơ Thái có những đặc trưng cơ bản như thế nào và nên dịch như thế nào để đảm bảo được nội dung và nghệ thuật đặc trưng của thơ Thái?

      Thơ Thái bao gồm các thể loại từ đơn giản đến phức tạp, từ ít chữ đến nhiều chữ - từ hai ba chữ đến bảy tám chữ hoặc nhiều hơn nữa, có thể độc lâp về số chữ, nhưng cũng có thể pha trộn. Có thể nghiêm ngặt về luật thơ nhưng cũng có thể tự do phá vần, phá luật tạo nên sự uyển chuyển linh hoạt.

    Các thể từ bốn chữ trở xuống gồm các bài vè, tấu, đồng dao, câu đố, ít ngâm hát được. Thể thơ chính thống có thể ngâm hát được là từ năm chữ trở lên, trong đó thể bảy chữ là trụ cột chính của nền thơ Thái. Tuy vậy, các bài hát đôi khi cũng có pha trộn những câu ba bốn chữ vào ngâm hát để phá thế đơn điệu.

    Thể  hai chữ: là những bài vè thường phổ biến trong đồng dao như các bài Pặt vĩ (Phẩy quạt), Tép xép tẻm pan (Vẽ dấu)...

       Pặt vi     -     Phẩy quạt

       Ti cọng      -    Đánh chiêng

       Ti cống     -     Đánh cồng

       Năng chặc  -   Ngồi lái

       Năng chong  -  Ngồi ngai

       Án khong   -   Đếm của

       Kin lảu      -      Uống rượu

       Xắc tạu      -      Chống gậy

       Khảu  đon...   -  Vào khu (rừng)

     Các bài vè này thường hay dùng trong trò chơi bói tương lai của trẻ em. Các bài này có tính tự do trong gieo vần, chủ yếu là: chữ đầu câu sau vần với chữ cuối câu trước. Song như thế mãi nó cũng đơn điệu, nên thỉnh thoảng người ta phải chuyển cách gieo vần khác đi như: từ cuối của câu sau vần với từ cuối của câu trước. Thậm chí có lúc còn phá vần (không cần vần) nhưng vẫn đảm bảo được nhịp điệu thơ. Vì thế vè dễ sáng tác và có thể kéo dài vô tận.

   Thể  ba chữ: cũng phổ biến trong đồng dao, trong các bài thơ biến thể tự do. Số bài thơ sử dụng thể ba chữ khá phổ biến, nhưng thuần tuý ba chữ thì cũng không nhiều. Dưới đây là trích bài "Nạp đao" (Đếm sao):

        Nưng đuông đao -      Một ông sao

        Xao đuông đí          -      Hai chục ông lấp lánh

        Xí  pá nhả         -      Bốn bãi cỏ

        Hả  pá pẹt         -     Năm bãi cỏ may

        Pét lạu khảu         -       Tám bịch thóc

        Cảu  đon xãi        -        Chín bãi cát

        Quãi me lụk      -       Trâu mẹ con

        Cụk po mạ...          -      Bờm ngựa đực 

       Nhiều bài thơ, thể ba chữ được sử dụng từng đoạn ngắn để tạo sự dồn dập cho bài thơ, như tiếng trống báo động, trong thơ Thái miêu tả các cảnh thúc giục, hối hả rất đạt về mặt nghệ thuật.

        Đức mã lỏ         -                     Khuya lắm rồi,

        Đứn mã lỏ         -                     Khoắt lắm rồi,

        Đức đứn lẹo cáy khẻ tứn khăn  - Khuya khoắt rồi gà gô dậy gáy. 

    Thể  bốn chữ : Từ đầu hoặc từ thứ hai câu sau vần với từ cuối câu trước theo kiểu móc xích, hai cách này lần lượt thay thế nhau cho đỡ đơn điệu. Điển hình nhất trong thể này là bài đồng dao "Xáu chẳm mững xột" (Ta chấm mày húp):

          Xáu chẳm mững xột    -       Ta chấm mày húp

          Tốt  ók mững đôm    -        Dắm ra mày ngửi

          Lẵm côm mững đúp    -        Khúc tròn mày mút

          Cúp nọi mững tữ    -       Nón nhỏ mày đội

          Khữ  nhữ mững pua      -    Hen suyễn mày mang

          Khua nọi mững táy...    -      Cầu nhỏ mày đi

      Thơ bốn chữ cũng có biến thể nhưng ít gặp hơn. Thể thơ bốn chữ đóng vai trò rất đặc biệt trong việc hình thành các thành ngữ Thái. Người Thái có thói quen nói vần vè bốn chữ một, biểu hiện một ý chung, một khái niệm. Thực tế nó đã trở thành câu nói cửa miệng trong nhân dân, nó có vần vè nhưng rất gần gũi với thoại ngữ :

   Nặm lay phãy ték  -  Nước trôi lửa cháy

   Khửn pũ lỗng lính -  Lên núi xuống non

   Pák vạu khảu cha  -          Nói năng bàn bạc

   Thí  hãnh pãnh ca  -          Tính đắt tiếc sức

   Thảu ké mẳn dữn  -          Sống lâu già lão

   Pay lạ mã đai -           Đi không về không

   Tánh lẵm tẵm lửa   -         Sắm sang diện mã

     Thể năm chữ: Thể năm chữ đứng vững trong nền thơ ca Thái, cả trong đồng dao, ca dao và thơ hát. Với thơ năm chữ có thể hát ngâm được. Tuy vậy nếu chỉ thuần tuý thơ năm chữ thì rất khó hát ngâm mà cần phải kết hợp với các câu thơ thể bảy chữ trở lên (nhiều khi cả thể thơ ba chữ nữa) nhưng cũng có bài thành bài thơ có thể đọc ngâm hoặc hát được nếu thêm các từ phụ. Thông thường nhất vẫn là ở dạng biến thể, kết hợp với các câu nhiều từ hơn. Cách gieo vần của thể thơ năm chữ thật phong phú do câu thơ đã được mở rộng. Thông thường câu trước đặt vần cho câu sau ở từ cuối, còn câu sau có thể ăn vần với câu trước ở từ thứ nhất, thứ hai, thứ ba (phổ biến nhất) hoặc từ thứ năm (chưa tìm thấy gieo vần ở từ thứ tư).

Hãy xem trích đoạn bài "Phay mảy pá" (Lửa cháy rừng):

        Phãy mảy pá  lãm loi  -   Lửa cháy lan rừng loi

        Phãy mảy moi phủ  chạ  -    Lửa cháy lông anh đần

        Phãy mảy mạ  bả lĩnh  -    Lửa cháy ngựa thằng khỉ

        Lĩnh nghĩn tộc lĩnh hảy  -    Khỉ thấy cực khỉ khóc

        Lĩnh bék mạy xong lẵm  -    Khỉ vác bó hai cây

        Lĩnh ôm hăm xong kén  -    Khỉ ngậm dái hai hòn 

    Thể  thơ năm chữ đã đi vào các tác phẩm thơ  chính thống. Ở các bài thơ lớn, từng đoạn dài hoặc các câu biến thể chuyển tiếp ý thơ, nó là thể chủ công và thường đi xen với thể bảy chữ, chín chữ hoặc ba chữ. Đoạn thơ năm chữ có tính chất kể lể da diết, bùi ngùi, thân thương, vấn vương không dứt. Tác phẩm sử thi "Táy pú xớc" – (Bước đường chinh chiến của cha ông) nổi tiếng được viết chủ yếu bằng thể thơ này.

  • Thể thơ bảy chữ, chín chữ: là thể thơ chính, được dùng trong các bài thơ vịnh cảnh hoặc các đoạn tả cảnh. Thơ bảy chữ phổ biến trong các sáng tác, các đoạn thơ dài. Thơ chín chữ không phổ biến lắm, nó thường là những câu được chêm vào từng đoạn cho câu thơ đỡ đơn điệu.

    Thơ  bảy chữ uyển chuyển, nhẹ nhõm, nói chuyện tâm tình rất thích hợp. Nó dùng nhiều trong các bài thơ trữ tình. Có thể nói, đây là thể thơ hoàn chỉnh nhất và có mặt trong mọi lĩnh vực thơ ca của dân tộc Thái.

    Trong tình ca:

    ... Phó hên nặm vẵng lợc chaư dắng

    Phó  hên nặm vẵng cắm chaư  kin

    Phó  hên xửa đăm nĩn chaư tháy

    Phó  hên chụ kẻm máy chaư  cha...

    ... Nhìn thấy nước vực sâu muốn đo

    Nhìn thấy nước vực xanh ước uống

    Nhìn thấy áo chàm đen ước thay

    Nhìn thấy má đỏ hây muốn ướm lời...

    Thể  bảy chữ đã đưa thơ Thái đến độ hoàn chỉnh của nghệ thuật thơ ca, nhất là khi sử dụng nó kết hợp với các thể khác mà nó đóng vai trò nòng cốt. Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) có câu:

    Hó  pú nọi lụk tan mã phák

    Hó  mák nọi lụk tan mã mai

    Xai pũ chuông lính chuỗn mã  kiểu lụk lả cu lẹo lo.

    Gói trầu nhỏ người đem đến gửi

    Gói cau nhỏ người mang đến dặm

    Dây uyên ương vươn dài đến cuốn con gái út ta rồi.

  • Các thể thơ khác, thể hỗn hợp và mở rộng: có thể xem thể bảy chữ là thể trụ cột của thơ ca Thái. Các thể khác (ít hay nhiều chữ hơn) là biến thể của nó.

    - Thể sáu chữ và tám chữ không gặp những bài nguyên thể. Nó chỉ là những câu xen vào các thể khác, chủ yếu là xen vào thể bảy chữ. Ngay cả việc xen kẽ này cũng hiếm những câu tám và sáu chữ, đó cũng là điều khác biệt. Trong truyện thơ Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) chỉ tìm thấy vài câu không mang tính điển hình.

    Câu thơ tám chữ hay chứa cặp từ có tính chất nhấn ý song đôi khi người ta bỏ qua cặp từ này và câu thơ trở thành sáu chữ. Tuy vậy cũng có câu không có cặp từ nhấn ý này, chúng là câu thơ tám chữ hoàn chỉnh.

    Thể  chẵn chữ đôi khi có cả câu thơ mười chữ. Tuy hơi hiếm và thường làm nhiệm vụ chống phá sự đơn điệu của mạch thơ, nhưng có  trường hợp chúng tạo được những đoạn thơ  hay, diễn đạt thành công nhiều hình ảnh và ý  thơ đẹp như nhiều đoạn trong Xống chụ xon xao.

    Các câu thơ tám hoặc mười chữ cho phép hoạ nên những cảnh tượng phức tạp hơn hoặc đôi khi diễn tả được những nghịch cảnh. Thực vậy, chẳng hạn như câu tám chữ, nhờ có khả năng tạo nên các nhóm: 3, 3, 2 chữ; 3, 2, 3 chữ và 2, 3, 3 chữ. Do đó tạo ra khả năng phong phú diễn đạt các tình cảm, tình tiết, tình huống mạch thơ khác nhau.

    Cũng có khi, câu thơ chẵn chữ xuất hiện chỉ một câu nhằm tạo sự lắng đọng cho người đọc, người nghe, để gây sự chú ý đến nội dung nào đó.

            - Thể hỗn hợp: từ thể bảy chữ trở lên, hiếm thấy những bài thuần tuý một thể thơ. Thông thường hay pha trộn các thể ba, năm, bảy, chín chữ; xen kẽ từng cặp hoặc lẫn lộn. Thể hỗn hợp là xu thế phát triển hiện nay của thơ Thái. Biểu hiện rõ tính cách tự do phóng khoáng của thơ Thái. Thiên hướng chung của thơ ca Thái là ít chịu gò bó trong khuôn khổ chật hẹp của luật thơ. Có lẽ, vì vậy mà nhiều người Thái biết làm thơ.

    - Thể mở rộng, người ta có thể vươn rộng ra, những chữ ấy có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng gì, nhưng nếu ngâm hát thì những chữ mở rộng đó lại rất cần thiết. Thể mở rộng giúp cho thơ Thái có khả năng trình bày những vấn đề rộng lớn đòi hỏi phát triển ý thơ một cách logic.

    Đối với các thể thơ nhiều chữ, đặc biệt là các thể hỗn hợp và mở rộng, cách gieo vần thật là phong phú, bởi số chữ có thể gieo vần được ở câu sau với chữ cuối của câu trước đã rất nhiều.

    Ngôn ngữ Thái giàu thanh điệu, nên thơ Thái cũng có  nhiều âm thanh trầm bổng khác nhau. Điều này, cùng với vần điệu, cách gieo vần phong phú đã làm cho thơ Thái uyển chuyển gần với âm nhạc. Đọc thơ Thái, nhất là các thể thơ từ năm chữ trở lên, rất gần với hát, nên người Thái gọi chung thơ là "bãi khắp", đọc thơ thì gọi là "khắp xư" (hát thơ).

    Từ  những khái lược về đặc trưng của thơ Thái, ta thấy thơ Thái rất linh hoạt, không gò bó theo một khuôn mẫu nào, chưa nói về mặt nghệ thuật, thơ Thái rất hay dùng những biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, cường điệu để chuyển tải những ý tưởng sâu sắc. Thơ Thái cũng không chia thành khổ, mà chỉ chia đoạn. Bởi vậy chỉ có thể dịch thơ Thái sang ngôn ngữ phổ thông theo thể thơ tự do và chỉ có thể thơ tự do mới gần với nguyên tác cả về nội dung và nghệ thuật.

    Hiểu về bản chất của Thái, một nền thơ ca phát triển của một dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, việc dịch sang ngôn ngữ phổ thông  như thế nào để không mất đi vẻ đẹp tiềm ẩn như viên ngọc quí càng mài càng sáng là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghiên cứu ngôn ngữ, nhà thơ… giúp mọi người hiểu thêm một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. 
 

  •        Cà Văn Chung và Trần Vân Hạc