Phông chữ
Châu Âu vừa chính thức tiết lộ quỹ chống khủng hoảng với giá trị khổng lồ lên tới 750 tỷ euro (khoảng 1.000 tỷ USD) với sự hợp tác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Lãnh đạo các nước châu Âu hy vọng sự can thiệp mạnh tay này sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể lan rộng, bảo vệ đồng euro và tác động tích cực đến các thị trường tài chính.

Tuy nhiên, căn bệnh khủng hoảng nợ của châu Âu đang có dấu hiệu biến chứng bất chấp những nỗ lực này.
Sử dụng “thuốc liều cao”

Tuần trước, thị trường chứng khoán thế giới đã ngập chìm trong sắc đỏ, giá vàng leo lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua, giá dầu thô sụt giảm và đồng euro liên tục lao dốc so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha bị hạ định mức tín nhiệm nợ. Anh rơi vào diện cảnh báo về mức nợ công có thể vượt Hy Lạp. Nỗi sợ hãi về khả năng lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu ngày càng rõ nét. Nếu không đưa ra được đơn thuốc hữu hiệu, căn bệnh có thể sẽ ngày một nặng hơn.

Kế hoạch thành lập quỹ chống khủng hoảng trên được đưa ra sau khi ngày hôm qua bộ trưởng tài chính các nước EU có cuộc họp kéo dài suốt 11 tiếng đồng hồ. Theo đó, 16 nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ đóng góp 440 tỷ euro. Ngân sách chung của châu Âu sẽ đóng góp 60 tỷ euro. Phần còn lại 250 tỷ euro sẽ lấy từ “túi” của IMF.

Cao uỷ Uỷ ban Kinh tế và Tiền tệ Liên minh châu Âu Olli Rehn nói: “Gói cứu trợ khổng lồ này chứng tỏ rằng chúng tôi sẽ bảo vệ đồng euro bằng mọi giá”. Kết quả này có được sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc điện đàm khẩn với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Sáng nay, nhóm G20 cũng đã tiến hành họp qua truyền hình để thảo luận tình hình cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu. Trong khi đó, một loạt ngân hàng trung ương của các nước phát triển như Cục dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương Canada, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã nhảy vào cuộc nhằm giúp ổn định thị trường tài chính châu Âu.

Tuần trước, tỷ giá đồng euro so với USD đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua khi chốt tuần ở mức 1 euro ăn 1,2523 USD. Ngay sau khi các nước châu Âu có động thái tích cực khi tiết lộ gói cứu trợ khổng lồ trên, đồng euro đã ngay lập tức tăng giá trong phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á, lên mức 1 euro đổi được 1,2907 USD.

Khó khăn và rạn nứt

Tuy nhiên, số tiền khổng lồ này liệu có trở thành “muối bỏ bể” hay không khi mà những rạn nứt xuất hiện ngày một nhiều giữa các nước châu Âu cũng như trong nội bộ mỗi nước. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia có thể trở thành một Hy Lạp tiếp theo bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi kế hoạch về việc lập quỹ chống khủng hoảng được tiết lộ, Anh đã ngay lập tức lên tiếng phản đối. Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling ngày 9/5 tuyên bố Luân Đôn không thể và sẽ không ủng hộ ý tưởng thành lập quĩ cứu trợ trị giá khoảng 60 tỷ euro (76 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp đỡ các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone).


Ông Darling nêu rõ: "Tôi xin bày tỏ, rất rõ ràng rằng nếu có một đề xuất lập ra một quỹ bình ổn cho đồng euro, thì đó phải là vấn đề của các nước thành viên eurozone. Hỗ trợ đồng euro là điều chúng tôi sẽ không làm và không thể làm".

Nội bộ nước Đức cũng vì kế hoạch giải cứu Hy Lạp mà lục đục. Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã thất bại trong cuộc bầu cử tại bang đông dân nhất nước Đức là Bắc Rhine-Westphalia.

Cử tri đã tức giận khi chính phủ liên minh thông qua gói cứu trợ trị giá 22,4 tỷ euro (28,6 tỷ USD) mà Đức dành cho Hy Lạp. Thất bại này khiến liên minh cầm quyền của bà Merkel đánh mất đa số tại Thượng viện và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách tiếp theo.

Khi mà cả thế giới vội vã với những bước chạy nước rút nhằm cứu cho Hy Lạp khỏi đổ vỡ, ngăn chặn hiệu ứng domino từ đất nước thần thoại này thì chính trong nội bộ Hy Lạp lại chưa thể thống nhất về những biện pháp của mình.

Các đảng phái chính trị của Hy Lạp bị chia rẽ sâu sắc trước kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Một số đảng cánh tả tuyên bố tẩy chay các cuộc đàm phán về kế hoạch cải cách hưu trí bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống nước này Carolos Papoulias. Các cuộc biểu tình tại thủ đô Athens chưa có hồi kết khi người lao động cảm thấy bị tổn thương do kế hoạch khắc khổ của chính phủ.

Châu Âu đang cố gắng hết sức nhằm cứu Hy Lạp thoát khỏi khả năng sụp đổ do khoản nợ công khổng lồ mà nước này đang phải gánh chịu. Các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật, Canada và nhiều nước khác cũng đang có những động thái tích cực hỗ trợ châu Âu. Tuy nhiên, căn bệnh mà châu Âu mắc phải có lẽ chưa thể giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều, chưa nói đến khả năng biến chứng nếu kéo dài lâu ngày.