Phông chữ

Hôm 7/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ ủng hộ đối với nguyên tắc kiểm soát ngân sách tài chính châu Âu và “tăng cường” các biện pháp điều chỉnh khu vực tài chính, hãng tin AP đưa tin.


“Cần phải tăng cường các điều khoản của hiệp ước châu Âu về ổn định và tăng trưởng kinh tế - hiệp ước hạn chế mức độ thâm hụt ngân sách quốc gia, trong đó bao gồm cả việc thông qua sửa đổi lại chính hiệp ước”, hãng tin dẫn lời bà Merkel trong cuộc gặp không chính thức của lãnh đạo 16 nước khu vực châu Âu.

Thủ tướng Merkel cho rằng, các quốc gia trong khu vực sử dụng đồng euro cần “tăng cường các biện pháp kiểm soát và điều tiết thị trường tài chính” nhằm tránh lặp lại khủng hoảng tương tự như khủng hoảng nợ Hy Lạp tại các quốc gia EU khác.

“Chúng ta (EU) không thể lãng phí thời gian, mọi thứ cần phải được thực hiện nhanh chóng”, bà Merkel nói và cho rằng, “tất cả các nước khu vực đồng euro, không chỉ có Hy Lạp cần thực hiện những nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách”.

Hiệp ước ổn định và tăng trưởng kinh tế của các nước EU được thông qua vào năm 1997 với mục đích đảm bảo cơ sở vững mạnh về tài chính kinh tế cho việc sử dụng loại tiền tệ duy nhất cho khu vực châu Âu là đồng euro. Tài liệu này bao gồm các quy tắc ngân sách cho các nước thành viên EU, có khả năng hạn chế lạm phát trong khu vực sử dụng đồng euro. Đặc biệt, theo hiệp ước, thâm hụt ngân sách quốc gia không được vượt quá 3% GDP và nợ quốc gia không được vượt quá 60% GDP.

Hôm 03/5, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde đã đề xuất sửa đổi hiệp ước ổn định châu Âu. Đặc biệt, bà cũng đề xuất kiểm soát khả năng cạnh tranh và sự ổn định tài chính của các quốc gia trong khu vực.

Hôm 07/5, lãnh đạo 16 nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã có buổi làm việc tại Brussel (Bỉ) để thảo luận về vấn đề nợ của Hy Lạp và khủng hoảng đang ngày một gia tăng tại châu Âu. Các quan sát viên nhận định, mục đích của một hội nghị thượng đỉnh đột xuất không chỉ là sự phê duyệt mang tính hình thức của bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu đối với việc áp dụng cơ chế hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, mà hơn thế còn nhằm khôi phục niềm tin của thị trường đối với liên minh tiền tệ châu Âu.

Hôm 08/5, Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính ba năm dành cho Hy Lạp từ phía châu Âu và gói hỗ trợ trị giá 110 tỷ euro từ phía Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).