Phông chữ

Giải giáp và kiểm soát vũ khí hạt nhân là những yếu tố quyết định của kiến trúc an ninh toàn cầu, Ngoại trưởng Đức Werner Hoyer phát biểu tại Hội nghị Đánh giá lại Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân (NPT) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 04/5.


"Hiệp ước NPT phải được duy trì và thực sự được củng cố vững chắc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York," ông phát biểu trong ngày thứ hai của Hội nghị Đánh giá lại NPT. "Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên phải hành động theo trách nhiệm chia sẻ đặc biệt của mình tại hội nghị quan trọng này để làm cho thế giới của chúng ta trở thành một nơi an toàn và hòa bình hơn."


Đức, cũng như một số quốc gia khác trong khu vực, vẫn là nơi lưu giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ thuộc một phần trong chính sách chia sẻ hạt nhân của NATO.


Ngoại trưởng Hoyer cho biết, theo thỏa thuận với các đồng minh, chính phủ Đức có kế hoạch yêu cầu Mỹ thu hồi số vũ khí hạt nhân chiến thuật này, và đã kêu gọi cắt giảm hơn nữa vai trò của vũ khí nguyên tử trong khái niệm chiến lược của NATO.


"Các biện pháp và nỗ lực xây dựng niềm tin nhằm tạo nên sự minh bạch có thể giúp giảm bớt và cuối cùng sẽ loại bỏ số vũ khí còn lại từ thời Chiến tranh Lạnh," ông nói. "Chúng không còn phục vụ cho mục đích quân sự và không tạo nên an ninh."


Ông Hoyer cho rằng những nghĩa vụ giải giáp vũ khí nhất định đã bị gây trở ngại, bao gồm cả lệnh cấm sản xuất các nhiên liệu phân hạch ở cấp độ vũ khí và nhóm 8 quốc gia tiếp tục từ chối phê chuẩn Hiệp ước Cấm Thử Hạt nhân Toàn diện, cần thiết để hiệp ước này có hiệu lực, là "không thể chấp nhận được."


Ngoại trưởng Đức đã đưa ra một số đề xuất để tăng cường Hiệp ước NPT, bao gồm cả việc làm rõ các quy tắc quản lý thu hồi và hậu quả của những vi phạm.


"Có sự nguy hiểm thực sự rằng các trường hợp phổ biến hạt nhân như sự rút khỏi NPT của Triều Tiên và chương trình hạt nhân của Iran có thể, trong trung hạn, sẽ làm xói mòn Hiệp ước này và dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới," ông nói. "Trong kịch bản như vậy sẽ không có đảm bảo nào về việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể sẽ được loại bỏ mãi mãi."


Ngoại trưởng Hoyer đã nhắc lại quan điểm của Đức rằng Hội đồng Bảo an LHQ cần phải thông qua lệnh trừng phạt thứ tư đối với Iran, nước đã bị cáo buộc đang vũ khí hoá chương trình hạt nhân.


"Đáng tiếc là Iran đã không tuân theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế và từ chối đề xuất đàm phán," ông nói. "Các lệnh trừng phạt bổ sung phải làm rõ với Tehran rằng sự từ chối này sẽ phải trả giá."