Phông chữ
Ngày 2/5, Đức và Mexico đã đồng chủ trì một hội nghị quốc tế mang tên Đối thoại Khí hậu Petersberg tại Bonn của Đức nhằm kêu gọi các nước thống nhất lập trường chung về biến đổi khí hậu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về vấn đề này ở Cancun, Mexico vào cuối năm nay.

Hội nghị kéo dài ba ngày, thu hút sự tham gia của các bộ trưởng môi trường hoặc đại diện cấp cao từ 45 nước trên thế giới, trong đó có các nước chiếm lượng khí thải lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel khẳng định, các nước trên thế giới đã rất nỗ lực để đi đến thoả thuận giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp tại Hội nghị Copenhagen, Đan Mạch hồi tháng 12/2009.

Vì vậy, theo bà, đối thoại Petersberg phải là bước chuẩn bị để xây dựng lòng tin giữa các nước tham dự hội nghị Cancun, chứ không phải một kênh đàm phán vượt ra khỏi khuôn khổ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc chỉ đạo. Bà kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ hơn nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một trong những thủ phạm chính khiến Trái Đất nóng lên.

Tổng thống Mexico Felipe Calderon đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị chứng tỏ cho thế giới thấy rõ mối đe doạ biến đổi khí hậu nguy hiểm đến mức nào, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Ngoài cam kết về nhiệt độ Trái Đất, Hiệp ước Copenhagen còn quy định các nước giàu phải hỗ trợ 30 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2012 giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu, số tiền này sẽ được nâng lên 100 tỷ USD/năm cho đến năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 111 trong số 194 nước tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ký văn kiện này và các nước chưa nói rõ cơ chế đóng góp số tiền trên.

Đức lâu nay nhận về mình trách nhiệm là động lực thúc đẩy các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn Trái Đất nóng lên và từng đề xuất ý tưởng triệu tập hội nghị xen giữa Hội nghị Copenhagen và Hội nghị Cancun.

Theo Bộ trưởng Môi trường nước này Nobert Roettgen, Đối thoại Petersberg dù không ra tuyên bố chính thức, nhưng sẽ là tín hiệu rõ ràng về khả năng đạt được một kết quả tốt đẹp tại Hội nghị Cancun tới. Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu lần này tại Bonn là hội nghị cấp cao nhất của thế giới kể từ sau sự kiện ở Copenhagen cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong cuộc hội đàm ở Đức giữa bà Merkel và ông Calderon, thủ tướng nước chủ nhà đã tuyên bố ủng hộ Mexico tổ chức thành công Hội nghị Cancun. Tổng thống Calderon hy vọng chuyến thăm Đức lần này của ông sẽ giúp thu hút nhiều nguồn đầu tư từ Đức vào Mexico hơn.

Đức hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất và đối tác lớn thứ năm thế giới của Mexico sau Mỹ, Trung Quốc, Canada và Nhật Bản. Đức cũng là một trong bốn quốc gia trong Liên minh châu Âu có vốn đầu tư lớn nhất vào Mexico (khoảng 1,2 tỷ USD trong năm 2009)./.