Phông chữ

Chính sách khắc khổ không phải là tương lai của EU. Để vượt khỏi khủng hoảng, khu vực đồng euro cần tăng trưởng trở lại.

Sau cuộc bầu cử Đức, một trong những khả năng được mọi người tiên đoán là một kịch bản đại liên minh, đồng nghĩa Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (Die Union) sẽ chia sẻ các ghế trong nội các với đối thủ chính của mình là đảng Dân chủ Xã hội (SPD).

Với gần 42% số phiếu bầu, Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (Die Union) của Thủ tướng Merkel đạt được kết quả tốt nhất từ sau năm 1990 đến nay. Để tập hợp được số ghế đa số trong Quốc hội và thành lập chính phủ, Die Union cần thương thuyết với các đảng phái khác.

Là một trụ cột kinh tế trong khu vực Eurozone, các chính sách kinh tế của Đức sẽ tác động nhiều mặt đến khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, từ chính sách tranh cử của các ứng cử viên và hai đảng phái hiện nay có nhiều khả năng nhất trở thành đảng cầm quyền, không quá khó để nhận thấy rằng mặc dù liên minh cầm quyền được “thay bình, đổi vỏ”, chính sách của nước này đối với Eurozone vẫn có thể chỉ là “bình cũ, rượu mới”.

Những chính sách “nối dài”

Điểm khác biệt của Die Union và SPD trong chính sách EU là gì? Rõ ràng, đó là một hình dung về một EU tăng trưởng với việc nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trong một bài phát biểu vào ngày 24-9, Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu đồng thời là một nhân vật hàng đầu của SPD, kêu gọi bà Merkel đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng về mặt xã hội trên toàn châu Âu, vốn bị tác động một phần do các yêu cầu ngặt nghèo của Đức. Chính sách khắc khổ không phải là tương lai của EU. Để vượt ra khỏi khủng hoảng, khu vực đồng euro cần tăng trưởng trở lại.

Người dân vui mừng khi có kết quả bầu cử.

Vấn đề ở đây là tăng trưởng dựa trên nền tảng nào? Về câu hỏi này thì SDP và Die Union gần như không có nhiều khác biệt lớn. Có thể bà Merkel bớt cứng rắn trong cách thức thi hành, tuy nhiên nội dung các chính sách cũ sẽ vẫn được giữ nguyên. Điều này đã được thủ tướng Đức khẳng định ngay trong cuộc họp báo đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Mục tiêu được công bố rằng: “Ổn định đồng euro, làm cho khu vực châu Âu có khả năng cạnh tranh hơn và đưa ra các biện pháp thích hợp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai”.

Sau khi ổn định tình hình trong nước, những bước đi đầu tiên của nữ thủ tướng sẽ tập trung thu hẹp khoảng cách tụt hậu của các nước phía Nam. Nước Đức sẽ thúc đẩy các nước này ký kết những điều khoản ràng buộc với các cơ quan của châu Âu. Điều này có nghĩa là các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha,… vẫn sẽ phải theo đuổi cải cách kinh tế nếu muốn nhận được sự cứu trợ từ Đức. Một số vấn đề vốn đang bị trì hoãn ví dụ như việc thành lập Liên minh ngân hàng EU cũng sẽ được tái khởi động.

Với tình hình hiện tại, Đức sẽ tiếp tục đóng vai trò chèo lái Eurozone nhưng chắc chắn không gánh vác trọng trách này một mình. Điều này đặt ra vấn đề cần hàn gắn và cải thiện mối quan hệ giữa nước này với một số cường quốc khác trong khu vực. Quan hệ với Pháp xấu đi phần nào do cuộc khủng hoảng. Duy trì sự lạnh nhạt này sẽ không đem lại lợi ích cho cả hai bên. Do vậy, hai nhà lãnh đạo sẽ phải sớm cải thiện tình hình. Với SPD trong nội các mới sắp hình thành, câu chuyện phần nào dễ dàng để bắc cầu nối với một tổng thống đảng xã hội khác từ nước Pháp là Francois Hollande.

Nước Đức thay đổi, EU có thay đổi?

Một đại liên minh Die Union/SPD sẽ thực hiện một chính sách cải lương. Điều này là một tiên đoán đúng một nửa. Vì hiện nay dù cần SPD để thành lập chính phủ nhưng đảng của Thủ tướng Merkel đang ở thế mạnh. 42% là con số đủ trọng lượng để bà tạo thế mạnh thương lượng trên bàn đàm phán. Trước bầu cử diễn ra, bà Merkel đã lên tiếng loại bỏ khả năng liên minh với một ngôi sao đang lên là đảng Một giải pháp khác cho nước Đức (AfD), một đảng nhỏ theo xu hướng cánh hữu đòi Đức rút khỏi Eurozone. Động thái này khẳng định nước Đức sẽ tiếp tục dấn thân như đầu tàu của khu vực Eurozone như chính phủ Merkel đã từng làm trong nhiệm kỳ 2009-2013.

Câu hỏi đặt ra là với sự tham gia của SPD, đây có phải là một chân thắng, kềm chế chân ga quá trớn nhiều lúc làm phật lòng các nước láng giềng. Phát biểu tại một cuộc biểu tình ở Berlin vào thứ Bảy (21-9-2013), bà Merkel cho rằng “sự ổn định của đồng euro không chỉ tốt cho châu Âu mà còn là lợi ích trọng tâm của Đức”. Nếu Liên minh EU tan rã, xét cả về góc độ an ninh và kinh tế thì Đức sẽ còn ít láng giềng thân thiện, đặc biệt trong khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Một hình dung gần nhất vẽ bức tranh chính sách của Berlin đối với khu vực Eurozone dựa trên hai nền tảng chính. Một là kiên trì yêu cầu các nước thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng dù có nới lỏng đôi chút. Hai là buộc các nước này cải cách triệt để nền kinh tế và buộc các nước nhận viện trợ phải tuân thủ nhiều điều kiện ràng buộc.

Việc “khoan dung” hơn trong các chính sách thắt lưng buộc bụng đối với Eurozone cũng như tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong công cuộc giải cứu khu vực này, sẽ làm cho các nước có cái nhìn nhiều thiện cảm hơn. Nếu như trước đây Đức khó chịu khi phải mạo hiểm hoang phí với những gói cứu trợ cho các quốc gia khác thì giờ đây, việc cấp tiền dễ dàng hơn cũng không mang lại cho Đức hay EU nhiều thay đổi trong mắt các nước nhận cứu trợ.

Theo ông Paolo Valentino - một nhà bình luận chính sách đối ngoại cho rằng: “Ý không thể làm cho mình ảo tưởng quá nhiều vì sẽ không có những thay đổi căn bản trong chính sách đối với châu Âu của Đức, bất kể kết quả cuộc bầu cử như thế nào”.

Về phía Hy Lạp, nơi mà tình hình khủng hoảng vẫn còn rất nghiêm trọng, đã cảm thấy thất vọng khi chính sách của bà Merkel được tuyên bố. Trong ngày 20-8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức - ông Wolfgang Schaeuble cho biết Hy Lạp sẽ cần một gói cứu trợ mới nhưng các khoản tiền trong thỏa thuận mới này sẽ nhỏ hơn so với các lần viện trợ trước.

Trong cuộc tranh luận bầu cử của mình, ứng cử viên của SPD Peer Steinbrueck nhận định phương thuốc liều chết thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để xử lý khủng hoảng là một con đường sai. Thay vào đó Đức nên hỗ trợ nền kinh tế đến khi lấy lại được sự cân bằng và khả năng cạnh tranh.

Có vẻ như Peer Steinbrueck mới là mong muốn thực sự của hầu hết người dân Hy Lạp - người mà họ có thể đạt được một sự thay đổi trong chính sách. Nhưng đảng SPD không phải là đảng chiến thắng trong đêm Chủ nhật vừa qua. Và Steinbrueck không còn cơ hội làm thủ tướng để làm cuộc cách mạng mới.

Đức sẽ vẫn quyết định mua tấm vé đắt tiền để có thể được ngồi vào ghế nóng, điều khiển con tàu EU. Tuy nhiên, có ít chỉ dấu về một EU mới được định hình bởi một chính phủ Đức mới. Có thể chỉ là chút ít thay đổi về cách làm hay một vài điều chỉnh mang tính tình thế như người ta đã nhiều lần được chứng kiến ở quá khứ.

  • THỦY TÂM - HOÀI THƯƠNG, PL