Phông chữ

Những chiếc vòi của “bạch tuộc” ‘Ndrangheta vươn ra nước ngoài qua hai đợt di dân từ nước Ý: Đợt một từ năm 1925, đợt hai từ sau thế chiến thứ hai.

Năm 1925, vùng Calabria nghèo đói mất dân số nhiều hơn bất cứ vùng nào trong 20 vùng của nước Ý trong đợt di dân đầu. Đợt di dân sau thế chiến thứ hai cũng ồ ạt như đợt đầu, sản sinh nhiều thế hệ mới ở châu Mỹ La tinh, Canada và Úc. Điều này cũng có nghĩa là ‘Ndrangheta có những tiền đồn rất xa nước Ý.

Đặc điểm của mafia ‘Ndrangheta là các ‘ndrine (gia đình) được tổ chức hết sức chặt chẽ. Mối liên hệ giữa  các gia đình ‘Ndrangheta cũng rất bền vững thông qua những cuộc hôn nhân liên gia đình. Đặc điểm này cho phép bảo vệ hữu hiệu bí mật của tổ chức và hơn thế nữa, gìn giữ được bản sắc của con người vùng Calabria.

Đức, “cơ sở” chính ở châu Âu

Nhật báo Suddeutsch Zeitung, xuất bản tại Munich, Đức cho biết ‘Ndrangheta có mặt ở khắp nơi trên nước Đức. Gia đình Ursino ở Hannover, Morabito ở Koln, Mazzatero ở Stuttgart và Muto ở Nuremberg.

Nhưng các gia đình gốc San Luca, sào huyệt của ‘Ndrangheta, mới thật sự là “chúa trùm” ở Đức. Các gia đình khét tiếng như Nirta-Strangio, Pelle-Vottari-Romeo trấn cứ ở thủ đô Berlin, Munich, Leipzig, Dusseldorf, Dresden và Tubingen.

Đặc biệt là Duisburg, nơi xảy ra cuộc nội chiến đẫm máu giữa hai gia đình Nirta-Strangio và Pelle-Vottari-Romeo với kết quả 6 thành viên của Pelle-Vottari-Romeo bị bắn chết trước cửa nhà hàng pizza Da Bruno hồi năm 2007.


Theo Francesco Forgione, tác giả quyển Mafia Export (Mafia xuất khẩu), ở Đức có nhiều băng đảng mafia nhưng ‘Ndrangheta là mafia giỏi hoạt động trong bóng tối nhất, ít khi bắn giết lẫn nhau (sự cố ở Duisburg được coi là một trường hợp hiếm hoi)...

Tờ Il Sole-24 Ore, xuất bản tại Ý, cho biết theo các nhà điều tra Đức và Ý, Duisburg  đã trở thành “lãnh thổ hải ngoại” của vùng Calabria, quê hương của ‘Ndrangheta, từ năm 1992. Lúc đó, họ đã quả quyết rằng các cửa hàng bán pizza và các loại bánh đặc sản khác của Ý là nơi ‘Ndrangheta tổ chức mua bán lậu ma túy và vũ khí.

Rửa tiền

‘Ndrangheta không chỉ hoạt động phi pháp ở Đức, chúng còn đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế hợp pháp với mục đích rửa tiền, biến đồng tiền dơ bẩn thành đồng tiền hợp pháp và trong sạch.

Trong cuốn Fratelli di Sangue (Anh em cùng huyết thống) xuất bản năm 2006, tác giả người Ý, thẩm phán Nicola Gratteri viết: “‘Ndrangheta không chỉ  đầu tư chứng khoán ở sàn giao dịch Frankfurt, chúng còn đầu tư hàng chục triệu euro vào các chuỗi khách sạn, nhà hàng ở Đông Đức, vào các khu nghỉ dưỡng ở biển Baltic.

Các gia đình ‘Ndrangheta đã mua cổ phần của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom. Tập đoàn này chiếm độc quyền khai thác và kinh doanh khí đốt ở Nga đồng thời là một trong những cổ đông chính của Công ty Vận chuyển dầu thô Bắc Âu mà chủ tịch là cựu thủ tướng Đức, ông Gerhard Schroder”.

Từ thập niên 1970, ‘Ndrangheta đã chọn nước Đức để làm nơi quản lý đường dây quốc tế buôn lậu ma túy. Hiện nay, chúng gần như nắm độc quyền mặt hàng này nhờ mối liên hệ chặt chẽ với các ông trùm ma túy Colombia.

Những cột mốc đáng chú ý là năm 1985, “bố già” Giuseppe Mazzaferro mời các đồng nghiệp Giuseppe Costa, Rosario Saporito và Salvatore Moscatelli đến Đức khai trương “cơ sở” mới. Năm 1991, đến lượt Giuseppe Sorbara và Rosario Saporito mở hai “cơ sở” ở Stuttgart và Mannheim.

Tuy cùng một băng nhóm nhưng sự cạnh tranh giành giựt địa bàn giữa các gia đình rất quyết liệt. Vụ án Duisburg chỉ là cái ngọn của một tảng băng ngầm.

Vincenzo Macri, một chuyên gia về mafia Ý, giải mã vụ án Duisburg như sau: “Có hai chuyện đáng nói (về vụ án Duisburg): thứ nhất, nó cho thấy các gia đình có nhiều tiền, có lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng ra tay, có vũ khí và đồng minh quan trọng tại địa phương. Thứ hai, nó quyết định ngôi thứ của gia đình này đối với gia đình kia. Nó làm thay đổi cán cân lực lượng trong việc kiểm soát đường dây buôn lậu ma túy quốc tế mà nước Đức đóng vai trò quan trọng trong việc bành trướng sang các nước Hà Lan, Bỉ và Tây Ban Nha”.
Hoạt động đa dạng

Theo báo cáo của DIA (Cục Điều tra chống mafia Ý), năm 2006, hoạt động của ‘Ndrangheta ở châu Âu và các châu lục khác rất đa dạng.

Tại Đức, chủ yếu là buôn lậu ma túy, vũ khí từ các nước Đông Âu cũ, kinh doanh bất động sản và buôn người (tổ chức vận chuyển lậu vào châu Âu lao động các nước). Tại Bỉ, cũng như thế. Tại Thụy Sĩ, chủ yếu buôn lậu vũ khí và cần sa. Tại Pháp, chúng buôn lậu cocaine và đầu tư bất động sản, tập trung nhiều ở Côte d’Azur.

Tại Tây Ban Nha, chúng buôn lậu chủ yếu ma túy nhập từ các nước châu Mỹ La tinh, nơi mà ‘Ndrangheta có mối liên hệ trực tiếp và độc quyền với những đối tác có cỡ nhất là ở Colombia – nước sản xuất ma túy lớn nhất thế giới - như lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) và lực lượng thống nhất tự vệ (AUC) của Salvador Miguel Mancuso, biệt danh El Mono, gốc Ý, đối tượng của 23 lệnh truy nã quốc tế. Chính nhờ mối quan hệ này mà ‘Ndrangheta  trở thành tổ chức buôn lậu ma túy lớn nhất thế giới. Nicola Gratteri ước tính 80% lượng cocaine tuồn vào châu Âu là của ‘Ndrangheta.

Tổng hành dinh của ‘Ndrangheta ở Tây Ban Nha đặt tại thủ đô Madrid. Nhưng cũng tại đây, ‘Ndrangheta phải cạnh tranh rất gay gắt với các nhóm mafia khác như Cosa Nostra và Camora.

Tại Nga là buôn lậu ma túy, đầu tư bất động sản và làm giả tiền rúp và đô la Mỹ. Từ năm  1993, khi Nga mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào, các thẩm phán ở Locri (vùng Calabria) phát hiện những vụ làm ăn lớn của ‘Ndrangheta ở Nga. Ví dụ ‘Ndrangheta đã mua bằng tiền mặt một nhà máy luyện thép và một nhà máy hóa chất ở St-Petersburg với giá tương đương 2.600 tỉ lire, tiền rút từ một ngân hàng Đức.
‘Ndrangheta cũng có mặt ở Canada, Úc, Mexico và Mỹ.


THẢO HƯƠNG