Phông chữ

"Báo Độc lập" (Nga) ngày 29/8 đã đăng bài viết với tựa đề "Người Đức không muốn dính dáng tới chiến tranh ở Syria" và ví von rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đang mắc kẹt trong thế "trên đe dưới búa", giữa một bên là đề nghị của NATO muốn Đức ủng hộ lập trường của tổ chức này đối với Syria (NATO muốn can thiệp quân sự vào Syria) và một bên là các cử tri Đức phản đối can dự vào cuộc nội chiến ở nước này. Bà Merkel sẽ xử lý ra sao nhất là khi cuộc bầu cử ngày 22/9 đang tới gần?

Việc Hoa Kỳ ráo riết chuẩn bị hành động quân sự nhằm vào Syria đang thực sự trở thành một tình huống khách quan tồi tệ nhất đối với chính phủ của bà Merkel. Bà vừa phải thể hiện sự đoàn kết trong liên minh với Washington, vừa phải chú ý tới nguyện vọng của cử tri trong nước nếu muốn đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Thống kê cho thấy có tới 69% cử tri Đức cực lực phản đối hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào cuộc xung đột ở Syria.

Bất kể tình hình trước thềm cuộc bầu cử tại Đức như thế nào, bất kể đảng phái nào tham gia tranh giành quyền lực ở nước này thì cũng có thể thấy Đức không nên tham gia trực tiếp vào một chiến dịch quân sự như vậy (tại Syria). Nhiều chuyên gia Đức đồng thời cũng cảnh báo rằng không thể đoán trước kết cục của việc tham gia quân sự tại Syria. Rất có thể Đức sẽ bị đẩy vào tình cảnh "vào thì dễ nhưng ra thì khó", trong khi vẫn còn đó bài học của Hoa Kỳ tại Iraq hay tại Afghanistan...

Đặc biệt, bà Merkel cũng không thể không bị ám ảnh bởi bài học từ cuộc bầu cử năm 2002, khi Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder kiên quyết từ chối tham gia cuộc phiêu lưu quân sự ở Iraq. Hành động này tuy đã đẩy quan hệ Đức - Hoa Kỳ vào những đợt sóng gió nhất định, song ứng cử viên chức Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) này đã tái đắc cử, giành được số phiếu sít sao trước ứng cử viên của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ Edmund Stoiber. Chắc chắn, bà Merkel sẽ không muốn lặp lại kịch bản buồn của người đi trước Stoiber.

Lúc này, những người dân chủ - xã hội và liên minh CDU/CSU lại một lần nữa có thể "đặt cược" đối với quan điểm chống chiến tranh của đại đa số cử tri. Đặc biệt là khi vụ bê bối gián điệp Edward Snowden của Hoa Kỳ càng khiến cho cử tri Đức kém "tin tưởng" vào Hoa Kỳ cũng như các chính sách của ông Barack Obama.

Ứng cử viên chức thủ tướng của SPD, ông Peer Steinbrück, cảnh báo rằng hãy thận trọng khi đề cập tới việc can thiệp quân sự vào Syria, đừng để chiến tranh cuốn nước Đức vào vòng xoáy của nó. Hơn nữa, đảng Xanh chỉ nhất trí can thiệp quân sự vào Syria trong trường hợp được phép của Hội đồng Bảo an LHQ, đấy là chưa kể Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Và những cử tri phản đối can thiệp quân sự vào Syria cũng đang sẵn sàng tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh.

Trong khi đó, mặc dù vẫn bị ám ảnh bởi bài học của cuộc bầu cử năm 2002, bà Merkel ngày 26/8 vẫn lớn tiếng ủng hộ một sự đáp trả của quốc tế đối với việc sử dụng vũ khí hóa học gây nên cuộc thảm sát ở Syria. Steffen Seibert, phát ngôn viên của bà Merkel, tuyên bố: "Việc sử dụng khí ga quy mô lớn đã phá vỡ điều cấm kỵ - 'giới hạn đỏ' - và quốc tế cần có sự đáp trả mạnh mẽ".

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP) cũng cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học là hành động phạm tội chống lại nhân loại cũng như nền văn minh. Ông khẳng định: "Nếu việc sử dụng những vũ khí như vậy được xác nhận, cộng đồng thế giới phải hành động. Và lúc đó, Đức sẽ đứng về phía những người ủng hộ việc trừng phạt Damascus".

Sự lên án khắc nghiệt của chính quyền Berlin một phần xuất phát từ "hội chứng Libya". Vấn đề ở chỗ hai năm trước, Đức đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của HĐBA LHQ về Libya và từ chối ủng hộ sự can thiệp của NATO. Điều đó khiến Washington nổi giận và cáo buộc Đức giống như một kẻ phản bội, khi đứng về phía Nga và Trung Quốc. Kể từ đó, các ưu tiên trong chính sách của Đức được điều chỉnh theo hướng nghiêng về Hoa Kỳ.

"Hội chứng Libya" còn dẫn đến một thực tế là Berlin đã "ngoan ngoãn" đồng ý gửi 200 quân đến Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ đưa tên lửa Patriot đến sát biên giới với Syria, lấy cớ là để bảo vệ đồng minh NATO. Những binh lính này của Đức có thể tham gia chiến dịch quân sự nếu Syria bị áp đặt một kịch bản giống Libya, đó là thiết lập vùng cấm bay.

Bài báo kết luận với diễn biến này, có thể thấy Đức đang dần xa rời lập trường chống chiến tranh, phải chăng đó là vì "nỗi sợ hãi bị cô lập".

  • Quế Anh, Baotintuc