Phông chữ
Tranh giành châu Phi không còn là điều mới mẻ. Nó bắt đầu từ năm 1884, khi 13 cường quốc châu Âu và Mỹ tập trung tại dinh của Thủ tướng Đức Otto von Bismarck để chia sẻ châu lục ra từng phần nhỏ với mong muốn gia tăng ảnh hưởng.

Không một người châu Phi nào tham dự khi những quyết định được công bố. Giờ đây, mọi thứ thay đổi trong một thỏa thuận lớn. Châu Âu và Mỹ không còn thống trị thế giới và cuộc chiến tranh giành mới có sự tham gia của nhiều người chơi khác nhau.

Cuộc chiến ấy không công khai như hồi cuối thế kỷ 19 và phản ánh những thực tế thay đổi trong thế giới hiện tại.

Châu Âu đã tự mình thống nhất thành một khối và không ngừng mở rộng thành viên, 27 quốc gia trong khối có vị trí chung trong những công việc quốc tế. Châu Á có 3 cường quốc kinh tế thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản không ngừng đua tranh khắp châu Phi. Châu Phi xếp hạng ba sau cộng đồng châu Âu và Mỹ trong giao dịch thương mại với châu Á.

Tiếp đến là Mỹ. Bốn người chơi lớn có mặt khắp châu Phi: EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ chia sẻ những mục tiêu chung nhưng triển khai các chiến lược khác nhau. Những người tham dự khác “phất cờ” phía sau.

Năm 2008, Liên minh châu Âu tuyên bố một thỏa thuận mới với châu Phi, Caribbea và các quốc gia Thái Bình Dương kết nối giữa viện trợ, thương mại, đầu tư và phát triển. Giao dịch châu Âu và châu Phi trong dầu mỏ, ca cao, kim cương, máy móc, xe cộ, tàu thuyền, thuốc men tăng cao.

Với Trung Quốc, châu Phi là khu vực quan tâm chính. Tuyên bố không mang mục tiêu chính trị như các đối thủ châu Âu, Mỹ và Ấn Độ, đại lục khẳng định không có tham vọng bá quyền ở châu Phi. Họ thận trọng tránh những chuyện chính trị nội bộ của châu Phi, đưa ra các thỏa thuận dài hạn cùng có lợi cho cả hai bên.

Là một nước đang công nghiệp hóa, Trung Quốc giống như chiếc máy ngốn không biết no nguyên liệu thô. Đầu tư lớn nhất của họ là Algeria, Angola, Gabon, Guinea, Kenya, Nigeria, Sudan, Nam Phi, Tanzania và Zambia.

Algeria, Angola, Nigeria và Sudan giàu dầu mỏ. Zambia có trữ lượng đồng phong phú, và Gabon thì xuất khẩu quặng sắt.

Dĩ nhiên, quan tâm của người Trung Quốc không chỉ ở nguyên liệu thô. Họ có một chính sách rộng rãi hơn trong việc đầu tư đường sá, mạng lưới xe lửa, trường học, cơ sở thể thao, viễn thông, máy tính, nhà máy phát điện… Với một Ngân hàng trung ương “hào phóng” chi tiền, một quan hệ thân cận giữa chính phủ Trung Quốc và những lợi ích thương mại, đại lục có lợi thế hơn các đối thủ.

Tại Ethiopia, các hãng Trung Quốc đang tái tạo lại thủ đô Addis Ababa, cùng với quà tặng là tòa nhà trụ sở Liên minh châu Phi. Họ còn thiết kế và xây dựng công viên tưởng niệm Kwame Nkrumah ở Accra, Ghana.

Người Trung Quốc đã xây dựng tuyến xe lửa đầu tiên nối Zambia và Tanzania. Và, giống như những phần còn lại của thế giới, các cửa hàng, chợ búa ở châu Phi tràn ngập hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mặc dù bị che mờ với những nỗ lực của người Trung Quốc, Ấn Độ cũng không chịu thất thế. Thương mại Ấn Độ - châu Phi thậm chí còn dẫn trước châu Âu. Cộng đồng người Ấn Độ xuất hiện dọc theo bờ biển phía đông châu Phi từ Somalia tới Nam Phi khi người châu Âu chỉ lác đác xuất hiện ở bờ biển phía tây. Ấn Độ có quan hệ thương mại lâu dài với nhiều cộng đồng cư dân, đặc biệt ở Ethiopia, Uganda, Kenya, Nam Phi và Nigeria.

Gần đây, chính phủ Ấn Độ tuyên bố tăng cường ủng hộ châu Phi với đề xuất chi hơn 500 tỉ USD cho viện trợ phát triển vào năm 2013, mở rộng 5,45 tỉ USD tín dụng cho các nước châu lục đen. Cùng lúc đó, hơn 300 công ty Ấn Độ đã đầu tư hơn 1,8 tỉ USD vào châu Phi.

Mỹ không chú ý nhiều tới châu Phi vào thế kỷ 19. Nhưng vào những năm 1980, có hai vấn đề khiến họ hướng đích ngắm về lại châu Phi.

Đầu tiên, đó là nhận thức gia tăng về sự khan hiếm dầu trên thị trường thế giới do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, đặc biệt ở châu Á, cung cấp giảm sút từ những nguồn đã có. Sau đó là sự mở rộng của chủ nghĩa khủng bố thế giới và lời tự tuyên bố dẫn đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố của Mỹ.

Hiện tại, Nigeria, Algeria, Angola và Gabon cung cấp 15 - 20% nhập khẩu dầu của Mỹ. Tổng lượng dầu nhập khẩu hàng ngày từ châu Phi vượt quá dầu nhập khẩu từ từng nước Ảrập Xêút, Mexico hay Venezuela và chỉ đứng sau Canada - nhà cung cấp dầu đơn lẻ lớn nhất với Mỹ.

Một động cơ khiến Mỹ tái chú ý vào châu Phi là lợi ích ở nguồn dầu mỏ phong phú và mong muốn hạn chế sự phục thuộc vào những khu vực dễ thay đổi như Ảrập Xêút, Iraq, Iran và Venezuela. Các nhà xuất khẩu dầu mới nổi như Ghana trở nên hấp dẫn khác thường.

Ngày 1/10/2007, Mỹ thiết lập một đơn vị quân sự mới - Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) có trụ sở ở Stuttgart, Đức và ký kết thỏa thuận quân sự song phương với hàng chục quốc gia châu Phi để chia sẻ những lo lắng chung. Về cơ bản, Mỹ cam kết hạn chế hoạt động quân sự trực tiếp ở châu Phi, nhưng sẽ cung cấp vũ khí, huấn luyện quân sự thông qua các hợp đồng tư nhân ở mức chi phí xấp xỉ 2 tỉ USD/năm.

Cùng thời điểm đó, thương mại giữa Mỹ với châu Phi tăng gần gấp đôi trong 5 năm nhờ Đạo luật Cơ hội và tăng trưởng châu Phi 2008.

Với châu Phi, cuộc tranh giành mới này dường như có viễn cảnh tốt hơn trước đây. Nhưng kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào người châu Phi và hy vọng rằng, châu Phi có thể tận dụng lợi thế tốt hơn trong các mối quan hệ quốc tế.

Thái An (Theo jamaicaobserver)