Phông chữ

Việc Mỹ tiến hành một chương trình giám sát điện thoại và Internet trên quy mô toàn thế giới đang gây chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu. Vụ việc cũng có xu hướng "tấn công" lĩnh vực thương mại khi chính phủ Pháp cho biết, nước này muốn trì hoãn việc đàm phán thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho rằng, người dân nước này nên ngừng sử dụng dịch vụ Internet của các công ty Mỹ như Google hay Facebook nếu muốn bảo toàn sự riêng tư của bản thân.

Động thái kêu gọi tạm hoãn cuộc đàm phán là "đòn tấn công" mới nhất đáp trả sau khi có những cáo buộc cho rằng Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã cài đặt thiết bị nghe lén và truy cập mạng máy tính văn phòng Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Washington, New York (Mỹ) và thủ đô Brusells của Bỉ.

Theo người phát ngôn Chính phủ Pháp, bà Najat Vallaud-Belkacem, thì "không phải là ngưng hẳn, nhưng sẽ sáng suốt nếu tạm thời đình chỉ cuộc đàm phán", có thể trong 15 ngày để tránh tranh cãi, đồng thời có đủ thời gian thu thập những thông tin cần thiết.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande sau đó đã rút lại các mối đe dọa đình chỉ đàm phán thương mại với Mỹ sau khi Washington đưa ra đề nghị thiết lập các nhóm chuyên viên chung có trách nhiệm làm sáng tỏ vấn đề thu thập bảo vệ dữ liệu.

Ông Hollande nêu rõ: "Quan điểm của Pháp là không đàm phán thương mại nếu không cùng lúc điều tra, xác minh thực hư hoạt động do thám của Mỹ. Đây là một sự thỏa hiệp, nhưng nói cho cùng đó cũng là một trong những bước chuyển biến tốt".

Nghị viện châu Âu ngày 4/7 cũng tuyên bố "ngừng thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận các dữ liệu tài chính và du lịch". Với 483 phiếu thuận và 98 phiếu chống, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết tuyên bố không để Mỹ tiếp cận các dữ liệu quan trọng nếu Washington không giải trình rõ ràng về chương trình giám sát tình báo Internet và điện thoại mà nước này đang thực hiện.

Nghị viện châu Âu khẳng định, nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng của Washington, thỏa thuận chia sẻ thông tin xuyên Đại Tây Dương, được xây dựng sau vụ khủng bố 11/9 nhằm ngăn chặn từ xa những âm mưu phá hoại an ninh nước Mỹ tương tự, sẽ bị phá bỏ.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Nghị viện châu Âu không đủ thẩm quyền để hủy bỏ thỏa thuận giữa châu Âu và Washington nếu không có sự chấp thuận của chính phủ các nước trong Liên minh châu Âu (EU), song quyết định này phần nào cho thấy sự nổi giận của EU đối với chương trình giám sát dữ liệu của Mỹ.

Về phía Đức, phát ngôn viên của Thủ tướng Angela Merkel cho biết, Berlin không muốn trì hoãn các cuộc đàm phán Thương mại tự do với Mỹ. Theo dự kiến, các cuộc đàm phán thương mại sẽ bắt đầu vào ngày 8/7 trong nỗ lực xóa bỏ rào cản giữa Mỹ và các quốc gia Liên minh châu Âu để mang lại lợi ích kinh tế lớn cho cả hai bên.

Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đột ngột xấu đi sau sự kiện cựu nhân viên Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đang tiến hành một chương trình giám sát điện thoại và Internet trên quy mô toàn thế giới, nhằm phát hiện trước các âm mưu khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Ngay sau khi thông tin này bị tiết lộ, nhiều nước châu Âu tỏ ra tức giận, cũng như lo ngại quyền tự do Internet của công dân nước mình có thể bị đe dọa bởi chính quyền Mỹ. Một số thành viên Nghị viện châu Âu thậm chí còn kêu gọi tạm ngừng các cuộc đàm phán về thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu và Mỹ nếu Washington không giải trình rõ ràng về chương trình gián điệp này. Tuy nhiên, lời kêu gọi này nhanh chóng bị bác bỏ. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ đại diện cho khối 28 quốc gia khu vực để tiến hành đàm phán về thương mại tự do với Washington.

Theo các nhà phân tích, mặc dù tác động tiêu cực của vụ bê bối sẽ là ngắn hạn, song vẫn làm cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do khó khăn hơn, đặc biệt là đối với Mỹ. Xenia Dormandy, nhà phân tích quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Anh nhận định: “Phía Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi các nước EU sẽ cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán. Vì thế, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt trong lợi ích của các bên. Tuy nhiên, vì mối quan hệ lợi ích rộng lớn giữa Mỹ và EU thì hậu quả quả này sẽ không kéo dài”./.

  • Vũ Anh Tuấn/VOV - Trung tâm Tin