Phông chữ

Ngày 24/6, Đức đề xuất hoãn các cuộc đàm phán trong Liên minh châu Âu (EU) về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức này thêm bốn tháng để thể hiện sự bất bình của EU về cách thức Ankara giải tán làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tuần qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng EU ở Luxembourg, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tuyên bố "EU không thể hành động như thể không có chuyện gì xảy ra trong những ngày qua" (ở Thổ Nhĩ Kỳ)."

Tuy nhiên, do sự phản đối của nhiều nước EU khác, ông Westerwelle gợi ý EU cứ mở vòng đàm phán mới với Thổ Nhĩ Kỳ tại hội nghị vào ngày 26/6 tới ở thủ đô Brussels, Bỉ, nhưng chỉ thực sự bắt đầu các cuộc đàm phán này vào tháng 10 tới, sau khi diễn ra các cuộc bầu cử ở Đức.

Ông Westerwelle cho biết đã trao đổi đề xuất này với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong những ngày cuối tuần vừa qua và bày tỏ hy vọng các Ngoại trưởng EU đi đến lập trường chung về vấn đề này.

Đề xuất của ông Westerwelle ngay lập tức gây ra những ý kiến trái chiều. Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger ủng hộ ý tưởng "dành cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm một thời gian nhất định", còn Ngoại trưởng Thụy Điển Can Carl Bildt cho biết ông "không thấy có lý do gì để trì hoãn các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến sau các cuộc bầu cử ở Đức."

Thừa nhận bầu cử ở Đức là một sự kiện quan trọng, song ông Bildt khẳng định không thể lấy việc này làm lý do để trì hoãn các việc khác trong EU, đặc biệt trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ đã lập kỷ lục về thời gian chậm trễ.

Ông Bildt cho rằng đây là thời điểm "rất quan trọng" để EU can dự vào những sự việc đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn kêu gọi EU chỉ trích cách thức Ankara xử lý các cuộc biểu tình, song khẳng định duy trì quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là việc làm quan trọng đối với EU.

Đại diện cấp cao EU phụ trách các vấn đề an ninh và đối ngoại Catherine Ashton khi đến dự hội nghị cũng khẳng định "can dự là sự lựa chọn thích hợp hơn."

Trong bài diễn văn cùng ngày trước các thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức-Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin vẫn cam kết với tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU theo nguyên tắc "Thỏa thuận phải được thực hiện," song đang chờ đợi tiến bộ từ phía Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán gia nhập EU từ năm 2005, nhưng cho đến nay mới nhất trí được với EU về một trong số 35 chương phải thực để có được tư cách thành viên EU.

Tuần trước, Đức đã cản trở kế hoạch của EU nối lại đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, gây cơn sốt ngoại giao trong quan hệ song phương với việc hai bên triệu đại sứ của nhau đến để giải thích.

Các nhà quan sát lo ngại với động thái mới của Đức, hội nghị ngày 26/6 khó có thể mở ra một chương mới về chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì Chương 22 về chính sách khu vực - bao gồm một tập hợp các nguyên tắc và quy định - sẽ được thảo luận tại hội nghị tới, nhưng phải được thông qua trên cơ sở đồng thuận.

Chương này từng có tiền lệ gây phân cực trong các cuộc đàm phán trước đây với các nước ứng viên khác trong EU. Nếu lặp lại, kịch bản này có thể làm tiêu tan hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sớm hòa mình trong "Mái nhà chung châu Âu"./.

  • (TTXVN)