Phông chữ

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ làm sống lại những ký ức thời chiến tranh lạnh ttrong chuyến đi đầu tiên đã được chờ đợi rất lâu tới Berlin trong tư cách tổng thống. Nhưng ông cũng đối mặt với nhiều câu hỏi ngặt nghèo về chương trình do thám bí mật của Mỹ.

Gần 50 năm kể từ ngày John Kennedy tuyên bố "Ich bin ein Berliner" (Tôi là một người Berlin) và 26 năm kể từ khi Ronaldo Reagan kêu gọi “Hãy kéo bức tường xuống!” ông Obama sẽ có bài phát biểu tại Berlin. Ông cũng sẽ hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người mà ông có quan hệ rất tốt, nhưng cũng là người muốn có thêm thông tin về quy mô của các chương trình do thám và thu thập thông tin của Mỹ.

Dù vẫn khá được lòng người dân ở Đức, ông Obama sẽ phải đáp ứng kỳ vọng rất lớn mà ông tạo ra khi còn là ứng cử viên tổng thống, trong một bài phát biểu với 200.000 người Berlin vào năm 2008, bài phát biểu ngay lập tức biến ông thành một ngôi sao chính trị ở châu Âu.

Kể từ lần kêu gọi Mỹ và châu Âu chung tay “kiến tạo lại thế giới”, đối phó với chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu, bạo lực ở Trung Đông và nghèo đói đó, ông Obama đã hiểu hơn về tình trạng giữ nguyên hiện trạng rất khó chịu cả ở nước Mỹ và ở nước ngoài khi ông muốn thực hiện những thay đổi.

Nhưng sự thất vọng sẽ không làm mất đi khả năng hùng biện của ông, theo lời phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes. “Bất cứ khi nào tổng thống Mỹ phát biểu ở Berlin, đó cũng là một bối cảnh hết sức khác thường trong lịch sử hậu chiến”, Rhodes nói. “Đây là nơi các tổng thống Mỹ tới để nói về vai trò của thế giới tự do. Với phông nền lịch sử đó… đôi khi dễ nghĩ rằng lịch sử đã ở sau chúng ta. Bức tường đã sập.

Không còn đe dọa một cuộc chiến tranh toàn cầu. Những mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt ở khoảng cách xa hơn”.

Trong cuộc gặp bà Merkel, ông Obama đứng trước áp lực lớn phải giải thích quy mô và tầm mức của chương trình do thám do Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành nhằm thu thập dữ liệu từ điện thoại và internet ở Mỹ và nước ngoài. Chương trình này đặc biệt gây quan ngại ở Đức, một nước rất coi trọng tự do ngôn luận và quyền riêng tư.

“Tôi sẽ kêu gọi sự minh bạch hơn”, bà Merkel, người lớn lên ở Đông Đức, nói. “Chúng ta phải được làm rõ, họ đã sử dụng gì, và không sử dụng gì”.

Ông Obama, tới Berlin ngày thứ Ba từ hội nghị thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland, đã nói ông hoan nghênh tranh luận công khai về sự cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và bảo vệ các công dân khỏi mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông sẽ không thể thỏa mãn các đòi hỏi của dư luận Đức về thông tin từ chương trình do thám của NSA.


Máy bay chở Tổng thống Mỹ đáp xuống sân bay ở Berlin (Nguồn: AFP)


Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình PBS, ông Obama nói NSA đơn giản là thu thập dữ liệu về số điện thoại và các cuộc gọi. Ông nói chương trình này được “kiểm tra và đối chiểu” cẩn thận: “Quốc hội giám sát nó, các tòa án liên bang giám sát nó”.

Nếu như những Tổng thống Mỹ trước đây phát biểu với bức tường ở sau lưng thì ông Obama sẽ quay mặt về hướng đông trong bài phát biểu của mình, một biểu tượng cho thấy sự thay da đổi thịt của một thành phố từ lâu đã bị chiến tranh lạnh chia rẽ./.

  • Trần Trọng (Vietnam+)