Phông chữ

Những cơn mưa lớn và liên tục từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 đổ xuống các quốc gia châu Âu đã khiến nhiều thành phố ở Đức, Áo, Slovakia, Cộng hòa Séc... chìm trong trận lụt thế kỷ.

Miền Nam nước Đức là nơi bị nặng nhất, mực nước đã dâng cao hơn thời gian diễn ra "trận lụt thế kỷ" năm 2002. Kỷ lục được lập ở thành phố cổ Passau (miền Nam nước Đức), khi mực nước lên tới 12m tại nơi gặp gỡ của ba con sông Donau, Inn và Ilz, so với con số 10,8m của năm 2002. Ít nhất 25.000 người đã được sơ tán khỏi nơi ngập  lụt, quân đội Đức cũng đã được huy động để tham gia cứu hộ.

Theo thống kê, lượng mưa trong tháng 5 vừa qua ở Đức bằng 178% lượng mưa trung bình hàng năm, khiến ngoài lụt lội, nguy cơ lũ cuốn và nước đọng không được giải thoát cũng rất cao.

Tại thị trấn Saale, nơi có hai con sông Elbe và Saale giao nhau, hàng ngàn người dân Đức phải di tản từ mấy ngày qua, vất vả chẳng khác nào gặp chiến tranh. Ở phía đông nước Đức, nhất là tại vùng Saxe Anhalt, tình hình lại đặc biệt căng thẳng vào cuối tuần qua do lũ từ phía nam kéo tới. Tại Magdebourg, nước sông Elbe đã dâng cao vượt mức kỷ lục của năm 2002, cần phải bảo vệ 20km đê, tránh cho thành phố bị ngập lụt.

Còn tại Bitterfeld, hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa đề phòng lũ lụt. Một bệnh viện cũng được sơ tán. Hầu như toàn bộ 4.000 dân ở thị trấn Mühlberg, phía nam Brandenburg đã phải đi sơ tán. Tại các vùng khác, nhất là ở vùng Bayern, lũ đã yếu đi và người dân cũng như lực lượng cứu hộ đang quét dọn và khắc phục các thiệt hại. Chính quyền liên bang đã hứa hỗ trợ khẩn cấp 100 triệu euro. Vùng Bayern sẽ trợ giúp gấp đôi số tiền này.

Binh sĩ Ðức dùng bao cát để ngăn nước ở Rothensee. Nước sông Elbe đã dâng cao vượt mức bình thường tới hơn 5m tại thành phố Magdeburg của Đức.

Tại Áo, cư dân một số vùng có dòng Donau chảy qua - trong đó có cả thủ đô Vienna - cũng đã được chính quyền kêu gọi tạm rời nhà cửa và mang xe hơi tới đậu ở nơi an toàn. Đất lở tại một số nơi đã khiến có người thiệt mạng, một số người mất tích, tàu hỏa trật đường ray.

Bên cạnh sự có mặt của các tình nguyện viên của Hội Chữ thập Đỏ, hơn 3.000 lính cứu hỏa và tại một số nơi, quân đội Áo cũng đã tham gia cứu hộ. Tuyến tàu liên vận quốc tế nối München (Đức) và Salzburg (Áo) đã tạm thời ngừng hoạt động, đường bộ nối Áo và Thụy Sĩ bị phong tỏa, một số bang bị đặt trong tình trạng báo động.

Thiệt hại nặng nhất diễn ra tại Cộng hòa Séc, nơi mà tình trạng khẩn cấp đã được ban bố khắp toàn quốc. Chính quyền đã cam kết chi 300 triệu Koruna để cứu trợ những nơi bị lụt hoành hành. Riêng tại thủ đô Praha, hệ thống đê đã được đắp dọc sông Vltava (Moldau). Nhiều trạm tàu điện ngầm bị đóng cửa, hệ thống tàu điện ngầm không hoạt động khiến giao thông công cộng bị ứ trệ, mặc dù chính quyền đã điều động thêm xe buýt và tàu điện hỗ trợ. Giới chức Séc kêu gọi cư dân, những ai không có việc gì quá cần thiết, chớ lên thủ đô trong những ngày này.

Tính trên toàn quốc Cộng hòa Séc, ít nhất 16 tuyến đường sắt và hơn 100 tuyến đường bộ đã bị lũ lụt cắt đứt. Tại vùng Bắc Bohemia, mức nước sông Elbe lên cao ở mức kỷ lục: có lúc, thay vì mực nước trung bình 3m, nước sông đã dâng tới 10,5m. Đặc biệt, Vườn Bách thú Praha bị thiệt hại nặng nề vì lụt, khiến các chuyến gia quyết địch phải chuyển các loài thú đi nơi khác.

Cạnh đó, tại các quốc gia như Thụy Sĩ, Ba Lan, Slovakia..., giới chức cũng đang ráo riết chuẩn bị công việc phòng chống lũ lụt...

Thảm họa bùn đỏ tại Hungary năm 2010.

Tại Hungary, lụt xuất hiện tại một số vùng giáp biên giới Áo và Slovakia khiến nhiều tuyến đường đã bị phong tỏa, cư dân được chuẩn bị tinh thần có thể phải sơ tán vào bất cứ lúc nào. Ngay tại thủ đô Budapest, hai bên bờ sông Donau, đã có rất nhiều bao tải cát được tập trung để đắp những con đê tạm thời với mục đích ngăn chặn nước tràn bờ.

Đại diện giới trẻ ở các trường đại học, các công sở, các CLB thể thao đều ra tuyên bố kêu gọi sự tham gia của những tình nguyện viên trong công việc ngăn chặn lũ lụt.

Người ta hồi hộp trông đợi đỉnh điểm của mực nước sông Donau sẽ dâng lên tại thủ đô Budapest trong vài ngày tới. Khi nước dâng cao sẽ làm phát sinh nhiều mối nguy hiểm khác như sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân hay hồ chứa bùn đỏ độc hại ở Almasfuzito.

Tháng 10/2010, khoảng 700 triệu lít bùn đỏ độc hại - một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhôm, đã tràn vào các làng mạc, thị trấn và che phủ khoảng 800ha đất nông nghiệp ở Ajka (miền Tây Hungary) sau khi hồ chứa bùn đỏ của một nhà máy thuộc MAL Zrt. bị vỡ.

Trong khi truyền thông châu Âu hàng ngày, hàng giờ đưa tin về việc các giới chức chính phủ cho dựng những con đê, đập chắn nước để ngăn lụt và đề phòng trường hợp xấu nhất, khi các đô thị lớn hoàn toàn ngập lụt, thì giới chuyên môn lưu ý: việc dựng lên những con đập di động, dù nhanh và ít tốn kém, nhưng không chắc đã hiệu quả trong mọi trường hợp. Lý do rất đơn giản: cho dù đê đập có cao và vững đến mấy đi nữa, nhưng không thể tăng độ cao một cách tùy thích để ứng phó với những khi mực nước dâng lên cao bất ngờ. Giải pháp khả dĩ là dẫn nước sông vào những con suối hoặc hồ chứa - hoặc đào sâu, mở rộng những nhánh phụ của sông - để giảm mực nước một cách tương đối.

Tại những vùng ven sông dễ bị lũ lụt, chính quyền đã chủ động xây những hồ chứa nước để sử dụng trong khi cần thiết. Tiêu biểu cho cách phòng chống này là ở phía nam Hungary, tại lưu vực sông Tisza, một con sông lớn của nước này, trong thời kỳ 1998-2001 từng có những đợt nước dâng rất cao, vượt mức kỷ lục tính tới thời điểm đó hàng mét.

Tuy nhiên, tại các vùng ven sông Donau thì có rất ít khả năng dẫn nước đi chỗ khác hoặc xây dựng những khu chứa nước như thế. Đặc biệt, một câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp nước dâng quá cao ở đoạn sông Donau chảy qua thủ đô Budapest thì làm thế nào?

Trên nguyên tắc, bức vách bằng đá xây từ thế kỷ 19 phải đủ cao để ngăn sông Donau không tràn được vào thành phố, cho dù con đường bờ sông hiện tại đã bị nước ngập ở một số đoạn. Tuy nhiên, theo một báo cáo từ năm 2011, một số đoạn của bức vách này không còn đủ mạnh, hoặc đủ cao để chống lại nước lũ trong trường hợp cần thiết.

Dầu sao đi nữa, để trấn an cư dân, giới chuyên gia Hungary cho biết, mực nước Donau - nếu có lên tới mức kỷ lục 8,8m vào cuối tuần đi nữa - cũng không đủ sức phá hỏng bức vách đá có độ bền đáng tin cậy, và không vượt qua được chiều cao hơn như thế của vách đá. Có thể cầm chắc là nội thành thủ đô Budapest sẽ không thể bị lụt hoành hành như thủ đô Praha của Cộng hòa Séc.

  •   Mộc Thạch (CAND tổng hợp)