Phông chữ

Nhiều quốc gia Trung Âu đang phải hứng chịu trận lụt tồi tệ nhất trong thập kỷ qua khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có 18 người chết sau khi một con đập ở phía đông nước Đức vỡ ngày 10-6.

Khoảng 23.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở thành phố Magdeburg phía đông nước Đức khi mực nước sông Elbe cao gấp bốn lần bình thường, đạt 7,44m, cao hơn mực nước trong trận lụt tồi tệ đánh vào châu Âu năm 2002. Rất nhiều đường phố, nhà cửa bị nhấn chìm và đường điện bị cắt. Thành phố Rothensee cạnh đó cũng ngập chìm trong nước, buộc người dân phải sơ tán bằng xuồng, xe tăng, xe buýt, xe tải.

“Chúng tôi hi vọng các con đập khác trụ vững trước sức ép của nước trong những ngày tới, nhưng không chắc 100%” - Andreas Hamann, người phát ngôn lực lượng cứu hộ tại Đức, nói.

Sông Donau, Elbe và Vlatava đều đang tràn bờ sau một tuần mưa lớn đổ xuống miền trung và nam nước Đức, cộng hòa Czech, Áo, Slovakia và Hungary. Hiện nhiều báo cáo cho hay một số đập trên sông Elbe có thể bị phá vỡ.

Thủ tướng Đức Merkel hứa hỗ trợ 100 triệu euro (hơn 2.600 tỉ đồng) từ nguồn quỹ chính phủ để giúp người dân vượt qua các thiệt hại lũ lụt.

Hungary cũng phải sơ tán 12.000 dân sau vụ vỡ đập sông Elbe. Ước tính thiệt hại do ngập lụt gây ra ở nước này cần tới 6 tỉ euro (khoảng 160.000 tỉ đồng) để sửa chữa. Thủ tướng Viktor Orban cho hay Budapest sẽ hết nguy hiểm vào ngày 12-6 khi 8.000 người đang gia cố các tường chống lũ quanh thủ đô và miền nam nước này. Hiện phần lớn khu vực miền nam và bắc Budapest bị chìm trong nước.

Tính đến nay đã có ít nhất 39 người chết vì trận lũ này trên khắp Trung Âu, trong đó có 18 người chết sau vụ vỡ đập ở sông Elbe. Nhiều tuyến tàu điện ngầm, các điểm du lịch, nhà thờ ở Czech, Áo… phải đóng cửa chờ nước rút.

  • PHAN ANH, tuoitre