feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Anh và Pháp, bạo động ở Thụy  Điển đang khiến các nước châu Âu đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Ngày 25/5, một binh sĩ Pháp đã bị đâm vào cổ họng khi tuần tra cùng 2 đồng nghiệp ở khu thương mại La Defense, phía tây thủ đô Paris. Kẻ tấn công đã trốn thoát, được nhận dạng là một người đàn ông râu quai nón có nguồn gốc Bắc Phi.

Thủ đô Paris đã tăng cảnh báo khủng bố lên mức đỏ sau khi các hoạt động quân sự của Pháp tại Mali được cho là đã châm ngòi cho các hoạt động khủng bố chống lại lợi ích của Pháp của tổ chức AQIM - một nhánh của al-Qaeda tại Bắc Phi.

Cuộc tấn công tại Paris diễn ra vài ngày sau khi một binh sĩ Anh bị giết chết trên một đường phố ở thủ đô London (Anh) bởi hai người đàn ông với lý do trả thù cho tình trạng bạo lực đối với người Hồi giáo.

Trong ảnh: Hiện trường nơi xảy ra vụ tấn công binh sĩ Pháp (Ảnh: AP)

Trước đó, ngày 22/5, một binh sĩ Anh đã bị sát hại dã man bằng dao ngay gần doanh trại tại thủ đô London. Hai kẻ thủ ác sau khi gây án đã yêu cầu người đi đường quay phim và chụp ảnh hành động tội ác của chúng.

Phát biểu sau cuộc họp khẩn với Ủy ban dân sự khẩn cấp sau vụ giết người dã man này, Thủ tướng Anh Cameron cho rằng, những kẻ gây tội ác đang cố gắng chia rẽ cộng đồng tại nước Anh. Tuy nhiên, theo ông Cameron thì hành động của kẻ khủng bố càng làm cho người dân nước Anh đoàn kết hơn.

Cho đến nay, ngoài hai kẻ trực tiếp giết hại binh sĩ Anh, cảnh sát Anh đã bắt giữ 5 nghi phạm khác. Trong khi đó, vụ tấn công đã làm bùng phát tư tưởng chống người Hồi giáo tại “đảo quốc sương mù”. Faith Matters, một tổ chức được chính phủ Anh tài trợ với mục tiêu giảm chủ nghĩa cực đoan cho biết số vụ việc chống người Hồi giáo đã tăng chóng mặt.

Trong ảnh: Người dân đặt hoa tưởng niệm Lee Rigby - binh sĩ đã bị sát hại dã man ngay gần doanh trại quân đội ở Woolwich, phía đông nam London (Ảnh: Reuters). 

Cơn “địa chấn” kéo dài gần 1 tuần qua ở Thụy Điển đã lan ra ngoài Stockholm vào hôm 24/5 nhưng lực lượng cảnh sát tăng viện được phái tới thủ đô đã giúp giảm bạo lực ở đó sau khi có hàng chục thanh niên phóng hỏa đốt cháy xe hơi và một nhà máy tái chế.

Vụ bạo loạn, khơi nguồn từ đầu tháng 5 do vụ cảnh sát bắn một cụ ông 69 tuổi, đã bước sang đêm thứ 6 tại các khu vực dân nhập cư nghèo khó ở Stockholm.

Quy mô bạo động ở Stockholm không thấm vào đâu so với bạo loạn ở London và Paris trong những năm gần đây và gần như không có người bị thương. Tuy nhiên với việc hơn 100 xe ô tô bị đốt cháy trong tuần qua thì cũng đã đủ gây sốc cho quốc gia này, vốn nổi tiếng là an toàn và thanh bình.

Trong ảnh: Cảnh sát tăng cường được điều động từ các thành phố lớn đến bảo vệ khu vực Stockholm - Ảnh: AFP.
Đêm 20/5, theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đón tiếp và hội đàm với Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Nhà trắng. Chuyến thăm này được thực hiện 6 tháng sau chuyến thăm được Nhà Trắng mô tả là mang tính lịch sử của Tổng thống Obama tới Myanmar hồi tháng 11/2012. 

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tiếp tục đẩy nhanh lộ trình cải cách mở cửa, hòa giải dân tộc, ngăn chặn tình trạng bạo lực tại Myanmar cũng như các khả năng đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Myanmar Thein Sein được đánh giá là “có ý nghĩa lịch sử” nhưng lại chưa tạo ra sự chuyển biến mang tính lịch sử trong quan hệ giữa hai nước, do hiện nay, Myanmar vẫn đang ở trong thế giằng co trong cuộc chiến về địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong ảnh: Tổng thống Myanmar Thein Sein và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp nhau tại Nhà trắng (Ảnh: president-office.gov.mm).

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu lắng dịu khi trong tuần qua CHDCND Triều Tiên liên tiếp có những động thái thể hiện muốn đối thoại. Ngày 22/5, cố vấn đặc biệt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Choe Ryong Hae đã có chuyến thăm Trung Quốc.

Ngày 24/5, phát biểu trong buổi tiếp đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình cho biết, phi hạt nhân hóa và hòa bình, ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên là mong muốn và là xu thế chung. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này là rõ ràng. Các bên liên quan cần bình tĩnh để xoa dịu tình hình và tái khởi động tiến trình đàm phán 6 bên.

Sau cuộc gặp giữa Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn, Triều Tiên cho biết sẵn sàng tiến hành đàm phán với các bên liên quan về thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. 

Nhiều nước đã lên tiếng hoan nghênh thiện chí này của Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc và Mỹ lại tỏ ra khá thận trọng. Người phát ngôn Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết, nước này đang tiếp tục xác định rõ về tuyên bố của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Triều Tiên lấy lại lòng tin của cộng đồng quốc tế. Ông cũng kêu gọi Triều Tiên nên dừng các hành động khiêu khích, tham gia đối thoại một cách chân thành.

Trong ảnh: Đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa xã).

Tuần qua, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bắt đầu chuyến thăm một loạt các quốc gia ở Nam Á và châu Âu gồm Ấn Độ, Pakistan, Thụy Sĩ và Đức. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Khắc Cường trên cương vị Thủ tướng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ ba ngày của Thủ tướng Lý Khắc Cường, ngày 20/5, Ấn Độ và Trung Quốc đã ký tám thỏa thuận hợp tác. Trung Quốc và Ấn Độ đã ratuyên bố chung nhấn mạnh cam kết tăng cường hợp tác song phương và mở rộng điều phối trên nhiều lĩnh vực.

Trong chuyến thăm 2 ngày của Thủ tướng Trung Quốc tới Pakistan, hai nước đồng minh lâu năm đã xem xét thúc đẩy quan hệ thương mại. Trong bối cảnh quan hệ Pakistan có phần lạnh nhạt với Mỹ, còn Trung Quốc lo ngại trước việc Mỹ chuyển dịch trọng tâm chiến lược tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì việc Pakistan và Trung Quốc xích lại gần nhau là xu hướng tất yếu.

Trong cuộc phỏng vấn báo chí khi bắt đầu chuyến thăm Thụy Sĩ, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Thụy Sĩ là một trong những nước Châu Âu đầu tiên thiết lập qua hệ ngoại giao với Trung Quốc, là đối tác hợp tác kinh tế, kỹ thuật, tài chính quan trọng của Trung Quốc ở Châu Âu. Việc tôi chọn Thụy Sĩ là nước thăm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên thể hiện sự mong muốn tạo ra đột phá mới cho quan hệ hợp tác hai nước. Đồng thời, hy vọng chuyến thăm sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, củng cố, tăng cường quan hệ lâu dài giữa hai nước”.

Trong chuyến thăm Đức của Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai nước dự kiến ký một loạt các văn bản liên quan đến hợp tác trong sản xuất, đầu tư, tài chính và đô thị hóa. Chuyến thăm Đức lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc - Đức vì Đức là thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy nhất mà Thủ tướng Lý Khắc Cường tới thăm trong chuyến công du 4 nước lần này.

Trong ảnh: Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ gặp gỡ trong chuyến thăm Ấn Độ của ông Lý Khắc Cường (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngày 20/5 (giờ địa phương) một cơn lốc xoáy khổng lồ đã quét qua bang Oklahoma (phía Nam nước Mỹ) gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Trận lốc xoáy này cũng đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Đêm 20/5 (giờ địa phương) Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố lệnh thảm họa lớn toàn liên bang.

Trước đó, Tổng thống Obama đã có một cuộc họp với các thành viên nội các, nghe báo cáo về tình hình khắc phục thiên tai tại Oklahoma. Ông tuyên bố trận lốc xoáy tại Oklahoma là một thảm họa thiên tai nghiêm trọng, đồng thời yêu cầu các cơ quan cứu trợ liên bang hỗ trợ chính quyền bang Oklahoma trong công tác giải cứu và khắc phục hậu quả thảm họa. 

Trong cơn lốc xoáy khổng lồ này, nhiều tấm gương quên mình cứu người khác đã được ghi nhận, trong đó có trường hợp của cô giáo người Mỹ gốc Việt ở Oklahoma, Mỹ đã trở nên nổi tiếng sau khi cô lấy thân mình che chở cho 2 học sinh sống sót kỳ diệu dưới đống đổ nát sau trận lốc xoáy kinh hoàng ở thị trấn Moore, Okalhoma. Sau khi lốc xoáy đi qua, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy cô Jennifef Đoàn dưới đống đổ nát của trường tiểu học Plaza Towers cùng 2 học sinh dưới vòng tay che chở của cô.

Trong ảnh: Ô tô bị lốc xoáy phá hủy và dồn lại thành đống tại Moore (Ảnh: Reuters).

  • Nguyễn Hùng/VOV online 
    Tổng hợp


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.