Phông chữ

Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) công bố ngày 16/4, trong số 2.250 mẫu sản phẩm thịt bò tại các nước Liên minh châu Âu (EU) được đưa đi kiểm nghiệm ADN, có tới gần 5% các mẫu sản phẩm này chứa thành phần thịt ngựa.

Báo cáo thống kê tính đến ngày 9/4 cho thấy Pháp là nước có số sản phẩm "thịt ngựa giả bò" nhiều nhất trong các mẫu thử. Có tới 47 trong tổng số 353 mẫu thử của Pháp mang ADN của thịt ngựa (hơn 13%).

Như vậy, tính trung bình cứ trong 8 mẫu sản phẩm được thử nghiệm ADN, có một mẫu phát hiện có thành phần thịt ngựa. Hy Lạp là nước phát hiện số sản phẩm "thịt ngựa giả bò" nhiều thứ hai với 36 trong tổng số 288 mẫu thử có pha trộn thịt ngựa (chiếm tới 12,5%). Đức cũng phát hiện thấy 29 trong tổng số 867 mẫu thử có thành phần thịt ngựa.

Tại Anh, 150 mẫu thử được xác nhận là không có thành phần thịt ngựa, và "thịt ngựa giả bò" chỉ bị phát hiện có trong bánh burger và một số sản phẩm khác bày bán trong các siêu thị bán lẻ. Song, một quan chức cấp cao của EU khẳng định Anh là nước phát hiện thành phần phenylbutazone có trong sản phẩm thịt bò nhiều nhất.

Ngày 9/4, chuỗi siêu thị Asda của Anh đã phải thu hồi sản phẩm thịt bò sau khi xét nghiệm ADN một số mẫu sản phẩm phát hiện thấy dư lượng thuốc thú y phenylbutazone gây hại cho sức khỏe con người. Cơ quan An toàn Thực phẩm (FSA) của Anh cho biết đây là lần đầu tiên phát hiện phenylbutazone trong sản phẩm thịt bò, tuy nhiên khả năng người tiêu dùng lỡ ăn phải loại thực phẩm này bị mắc bệnh là thấp vì dư lượng chất phenylbutazone ở mức nhỏ.

Theo Giáo sư - bác sĩ Đêm Xadôn (Dame Sazone), phenylbutazone là loại thuốc thú y thường được sử dụng để điều trị bệnh cho ngựa, nhưng nó cũng được kê cho một số bệnh nhân bị chứng viêm khớp nặng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể gây rối loạn tuần hoàn máu trầm trọng ở người.

Vụ bê bối "thịt ngựa giả thịt bò" bùng phát vào giữa tháng Giêng vừa qua ở châu Âu khi cơ quan chức năng Ireland phát hiện thịt ngựa có trong sản phẩm thịt bò đông lạnh do các công ty ở nước này và Anh sản xuất, được bày bán tại các chuỗi siêu thị lớn của Anh, nước coi việc ăn thịt ngựa là điều cấm kỵ.

Hiện vụ bê bối này đã lan sang hầu hết các quốc gia thành viên EU, không chỉ khiến các doanh nghiệp bán lẻ ở lục địa này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn khiến ngành công nghiệp chế biến thịt lâm vào cảnh điêu đứng và làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng./.

  • (TTXVN)