Phông chữ

Trong khi bê bối “thịt ngựa giả thịt bò” vẫn đang làm chao đảo ngành sản xuất thực phẩm châu Âu, thì mới đây là có thông tin về việc “cá giả” xuất hiện tại thị trường này.

Tờ báo Der Standard của Áo hôm 22/2 đưa tin về việc các sản phẩm cá tại thị trường châu Âu bị phát hiện gắn sai nhãn mác thực phẩm. Theo báo này, hơn 1/5 các sản phẩm cá đang được bày tại một số nước châu Âu đã bị gắn sai nhãn mác.

Báo Der Standard cho biết, trong tất cả các sản phẩm được kiểm tra tại Đức, thì 1/4 sản phẩm cá bơn có thông tin nhãn mác trái ngược. Sản phẩm tôm của Tây Ban Nha cũng ở trong tình trạng này. Tại Armenia, kết quả xét nhiệm của 1/3 sản phẩm cá cho thấy chúng được chế biến từ các loại thực phẩm khác.

Những thông tin mới này tiếp tục gây rúng động thị trường châu Âu và khiến người tiêu dùng mất thêm lòng tin vào các nhà sản xuất thực phẩm.

Trong khi đó tại Mỹ, tờ New York Times cũng đưa tin, có tới 94% cá ngừ bán tại New York thực chất là cá hố bạc, một loại cá có thân hình giống lươn, nhưng dẹt và không có vẩy.

Trước đó, vào đầu tháng 2/2012, một số mẫu thực phẩm đông lạnh được dán mác thịt bò bày bán tại các siêu thị ở nước Anh bị phát hiện có chứa thịt ngựa, món ăn mà người Anh luôn phản đối. Số thịt bò này xuất phát từ các lò giết mổ tại Rumania, do các công ty kinh doanh tại Hà Lan và đảo Cyprus cung ứng, đưa thịt ngựa gắn mác thịt bò đi khắp châu Âu.

Theo điều tra của Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng Pháp cho thấy một công ty chế biến thực phẩm của Pháp mua thịt đông lạnh từ một nhà cung cấp từ đảo Cyprus.
 
Nhà cung cấp ở đảo Cyprus thì đi mua từ một công ty thực phẩm Hà Lan. Còn công ty đến từ Hà Lan này lại nhập thịt từ 2 lò giết mổ ở Rumania. Sau đó Công ty thực phẩm của Pháp lại bán thịt cho một nhà máy ở Luxembourg thuộc sở hữu của tập đoàn Comigel, Pháp. Và cuối cùng thịt được chế biến và bán ra khắp châu Âu dưới thương hiệu của Findus, một công ty tại Thụy Điển.

Bên cạnh đó còn có thông tin trong thịt ngựa có chứa thuốc kháng sinh, kháng viêm được dùng để hỗ trợ nuôi ngựa song bị cấm sử dụng trên các loại động vật được nuôi để lấy thịt cho người sử dụng.

Trong một diễn biến khác, vụ việc thịt cừu giả cũng đã gây chấn động Trung Quốc trong thời gian gần đây. Hơn 50 tấn thịt cừu giả chứa chất phụ gia gây ung thư đã bị phát hiện tại một nhà máy ở đông bắc Trung Quốc.

Toàn bộ số sản phẩm trên được tái chế từ thịt vịt, mỡ cừu cùng nhiều chất phụ gia khác tại Nhà máy Chế biến Thịt Shengtai, thuộc thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, theo thông báo của Bộ Công an Trung Quốc.

  • Duyên Duyên (baodatviet Tổng hợp)