Phông chữ

Các chuyến bay trên khắp châu Âu ngày 16-4 đã phải huỷ bỏ do tro bụi của núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland gây ra. Theo BBC, hàng trăm ngàn hành khách đi máy bay bị ảnh hưởng, trong đó có hành khách đi Bắc Mỹ và châu Á.

Tổng cộng có khoảng 17.000 chuyến bay bị huỷ vì không phận đóng cửa tại các nước Iceland, Anh, Cộng hoà Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan, Bỉ và Hà Lan.

* VN hoãn các chuyến bay tới Paris (Pháp), Frankfurt (Đức)

Pháp đã phải đóng cửa 24 sân bay tại miền Bắc nước này, trong đó có sân bay Charles de Gaulle. Đức đóng cửa 3 sân bay Berlin, Hamburg và Franfurt. Ba Lan cũng đóng cửa hầu hết các sân bay.

Tại châu Á, các hãng hàng không Quantas, Japan Airlines, Korean Air, Singapore Airlines và Cathay Pacific đã huỷ các chuyến bay tới châu Âu dự báo cho tới chủ nhật 18-4.

Còn sáng nay, 16-4, Anh thông báo tiếp tục hạn chế các chuyến bay. 5 sân bay chính ở London đã bị đóng cửa, bao gồm cả Heathrow - một sân bay xuyên Đại Tây Dương, là trung tâm xử lý hơn 1.200 chuyến bay với 180.000 hành khách/ngày.

Hàng không Mỹ cũng buộc phải huỷ bỏ một số chuyến bay tới châu Âu và trì hoãn những chuyến bay khác. Tại Washington, cục hàng không liên bang cho biết, họ đang làm việc với các hãng hàng không để cố gắng định tuyến lại một số chuyến bay trên đám tro bụi khổng lồ.

Các chuyến bay từ châu Á, châu Phi và Trung Đông đến Heathrow (Anh) và một số sân bay lớn khác của châu Âu cũng bị trì hoãn.

Việc hàng ngàn chuyến bay bị huỷ bỏ đã khiến hàng chục ngàn hành khách bị mắc kẹt và ngay các cơ quan hữu trách cũng không rõ khi nào thì bầu trời được an toàn đủ để máy bay cất cánh.

Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu, bao gồm 38 quốc gia khắp châu Âu, cho biết khói của núi lửa phụt lên từ phía dưới sông băng Eyjafjallajoekull ở Iceland có khuynh hướng di chuyển về hướng đông-nam.

Các nhà chuyên môn cảnh báo, các hạt li ti của khói bụi từ núi lửa có chứa thuỷ tinh và cát trong các đám mây bụi có thể làm hỏng động cơ máy bay vì vậy khả năng ngành hàng không sẽ bị gián đoạn hoạt động, có thể trong vài ngày hoặc thậm chí cả tuần.

Núi lửa ở bên dưới sông băng Eyjafjallajoekull bắt đầu phun trào từ hôm thứ tư, đây là lần phun trào thứ hai chỉ trong vòng một tháng. Sức nóng của dung nham đã làm tan băng trong khu vực và gây ngập lụt các vùng lân cận. Khoảng 800 người dân địa phương đã phải sơ tán khỏi nhà cửa. Các con đường dọc sông Markarfljot đã bị ngập, cô lập các địa phương trong vùng.

Hiện tình trạng ngập lụt đã giảm bớt nhưng núi lửa vẫn tiếp tục phun khói bụi và những đám khói bụi này đang hướng về khu vực châu Âu.

Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương huỷ bay

Chiều 16-4, Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines cho biết, do ảnh hưởng của khói và bụi núi lửa từ Iceland, để đảm bảo an toàn cho hành khách, nhà chức trách đã thông báo tạm thời phải đóng cửa. Và vì lý do này, Vietnam Airlines chính thức thông báo huỷ các chuyến bay đến 2 sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Paris, Pháp) và Frankfurt (Đức).

Lịch khai thác các chuyến bay thường lệ và các chuyến bay bù từ Hà Nội và TPHCM tới châu Âu (Paris, Frankfurt) trong những ngày tiếp theo sẽ được hãng thông báo sau.

T.TUYẾT


Tính đến chiều 16-4 (giờ Việt Nam), hầu hết các chuyến bay tới và từ châu Âu của các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương đều bị huỷ vì khói bụi núi lửa tại Iceland.

Cụ thể, Nippon Airways huỷ 6 chuyến bay, ảnh hưởng 1.500 hành khách; British Airways huỷ 2 chuyến bay đến lãnh thổ HK (Trung Quốc); các hãng hàng không Ấn Độ gồm Air India, Kingfisher Airlines và Jet Airways huỷ tất cả các chuyến bay đến London; Singapore Airlines huỷ 7 chuyến tới châu Âu ; Japan Airlines huỷ 9 chuyến đến và từ Paris, Amsterdam, London, Milan and Frankfurt, ảnh hưởng hơn 2.000 hành khách….

Các nhà khí tượng học từ Cơ quan dự báo thời tiết Accu ở Mỹ cho biết cột tro bụi hiện nay sẽ đe doạ đến đường không tới châu Âu ít nhất là hết ngày chủ nhật. Còn Einar Kjartansson – nhà địa lý học tại Văn phòng Khí tượng học Iceland cho biết tình hình này có thể tiếp tục trong vài tuần nữa phụ thuộc vào sức gió.

Bill McGuire, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Tình trạng Nguy hiểm Aon Benfield UCL cho biết nếu núi lửa tiếp tục phun thì tro bụi có thể khiến giao thông đường không gặp khó khăn thêm 6 tháng nữa.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scotland thông báo tro bụi bắt đầu rơi xuống các vùng phía bắc của Scotland. Tuy nhiên, giới chức y tế nói những ảnh hưởng của tro bụi đối với sức khoẻ của con người không lớn lắm.

Hãng tin Reuters chiều nay dẫn lời Jacek Sasin - một quan chức của phủ Tổng thống Ba Lan cho biết tang lễ của Cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski và vợ có thể hoãn lại vì khói bụi núi lửa Iceland. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều lãnh đạo các nước kế hoạch đến dự tang lễ diễn ra tại thánh đường Wawel của thành phố cổ Krakow, phía nam Ba Lan.

Ông Jacek Sasin nói “Nếu tro bụi núi lửa có thể ảnh hưởng đến chuyến đi của những người tham gia tang lễ thì tang lễ có thể sẽ được hoãn lại.”

Tuy nhiên, Bill Burton - Trợ lý Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết kế hoạch Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự tang lễ vẫn như kế hoạch, bất chấp khói bụi núi lửa, nhưng chúng tôi vẫn đang theo dõi quyết định của Ba Lan.

Cơ quan Nghiên cứu Địa lý Mỹ cho biết khoảng 100 máy bay bay vào vùng tro bụi núi lửa từ 1983 đến 2000. Nhưng chỉ có một vài trường hợp là động cơ bị tắc và không gây thương vong.

Năm 1989, chiếc Boeing 747 của KLM Royal Dutch Airlines bay vào vùng núi lửa ở Alaska đã bị tắc động cơ và rơi từ độ cao 7.500 mét xuống 3.600 mét trước khi động cơ được khởi động lại.