Phông chữ

Giữa lúc nền kinh tế - xã hội nước Đức vẫn còn bộn bề vì cuộc khủng hoảng châu Âu, vị chính khách của đảng đối lập chính ở Đức cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nước Đức thực hiện một cuộc chuyển giao toàn diện trong bộ máy chính phủ. Qua bài phát biểu kéo dài 100 phút và những lời lẽ hùng hồn, đầy tự tin của ông Steinbrück, có thể thấy đây thực sự là một đối thủ nặng ký đối với Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel.

Ngày 9/12 vừa qua, trong một cuộc đại hội của đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng đối lập chính ở Đức, ông Peer Steinbrück - Phó chủ tịch SPD, cựu Bộ trưởng Tài chính đã được đề cử và chính thức trở thành ứng viên thủ tướng trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 9/2013. Trong bài diễn văn khá dài với nội dung bao quát nhiều khía cạnh được truyền hình trực tiếp trên tivi, người ta thấy rõ là Steinbrück muốn lấy lòng cử tri nước Đức cũng như thành viên SPD, nhất là những đảng viên vẫn chưa đặt hẳn niềm tin vào ông.

Peer Steinbrück đã khôn khéo nhắc lại sự thành công của các cựu thủ tướng SPD trong quá khứ như Willi Brandt hay Helmut Schmidt, Gerhard Schroeder … Ông cho biết thêm SPD sẽ làm tốt để đặt các giá trị vô giá của họ lên hàng đầu như "công lý, tự do và đoàn kết". Sự khôn ngoan này đã khiến những chính trị gia hàng đầu của SPD lần lượt lên tiếng ủng hộ Steinbruck.

Còn đối với đối thủ là nữ Thủ tướng Merkel thì Steinbrück tỏ ra rất cương quyết rằng sẽ "chĩa thẳng mũi tên" vào bà Merkel. Ông Steinbrück đã thẳng thắn chỉ trích bà Merkel và chính quyền đương nhiệm  rằng họ "bất lực, chẳng hề làm gì cả". Ông đã dẫn ra nhiều ví dụ về những vấn đề nổi cộm của xã hội từ bình đẳng nam nữ, lương bổng chênh lệch dù công việc như nhau, mức lương tối thiểu cho đến các vấn đề về giáo dục, y tế, giao thông, hưu trí, năng lượng, mức tiền thuê nhà có thể trả v.v…

Chưa hết, ông Steinbruck còn tuyên bố sẽ lấy chủ đề "công bằng" làm trọng điểm cho cuộc bầu cử 2013 và gọi đương kim Thủ tướng Merkel và đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) là lạc hậu. Qua đây, Peer Steinbrück hứa hẹn sẽ đảm bảo một xã hội công bằng hơn và kêu gọi sự đoàn kết để “so tài” lãnh đạo với lực lượng liên minh của bà Merkel. Ông cho biết cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp nước Đức nhận ra những điều vượt quá tầm kiểm soát và sự cân bằng, ở châu Âu và trong chính xã hội đất nước này. Peer Steinbrück muốn đánh thuế nặng hơn đối với những người giàu và áp dụng mức lương tối thiểu cho người dân, những điều mà đảng CDU của bà Merkel từng phản đối.

Peer Steinbrück, năm nay đã 65 tuổi, cho biết ông không muốn tham gia vào bất kỳ một liên minh mới nào, đây là một tinh thần giúp ông ghi điểm trong mắt tầng lớp quần chúng của đảng SPD, những người từng lo sợ các lãnh đạo của mình sẽ đồng ý sáp nhập vào đại liên minh của bà Merkel, chấp nhận một vai trò hoàn toàn mới và yếu thế hơn. Ông Peer Steinbrück phát biểu: "Tôi không muốn chỉ thay đổi một phần bộ máy chính phủ, tôi muốn thay đổi một cách toàn diện. Tôi hy vọng SPD sẽ là lực lượng lãnh đạo mới của đất nước này".

Các chính trị gia đại diện cho các đảng phái trong Chính phủ Đức.

Kết quả cuộc bỏ phiếu trong đảng SPD cho thấy, ông Steinbrück nhận được 542 phiếu ủng hộ (tương đương 93,45%), 31 phiếu phản đối và 7 phiếu trắng. Tuy nhận được số tín nhiệm cao nhưng chuyện ông trở thành diễn giả ngoài giờ với mức thù lao nhận được khoảng 1,6 triệu USD trong vòng 3 năm trở lại đây đã khiến một số nhân vật trong SPD lên tiếng chỉ trích ông.

Thật thế, Steinbrück đã làm việc, nhận thù lao và đóng thuế thu nhập với mức cao nhất. Mức thu nhập của ông cũng được báo cáo với chủ tịch Quốc hội và cuối cùng tất cả mọi chi tiết đều được ông công khai cho mọi người biết. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ của các chính trị gia hàng đầu nước Đức. Vì thế Steinbrück không nên bị chỉ trích, mà cần phải được tôn trọng.

Cùng với ông Steinbrück, Chủ tịch SPD cũng lên tiếng cáo buộc liên minh Đen - Vàng của Thủ tướng Angela Merkel rằng họ "chỉ đứng xem" chứ không hành động gì cả trong khi cuộc sống của người dân bình thường càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đồng thời ông Gabriel tuyên bố: "SPD sẽ lãnh đạo nhân dân chống lại một liên minh "chẳng làm gì hết" - đó là câu hỏi mà SPD chúng ta phải đối mặt với các cử tri trong năm 2013".

Được biết từ tháng 9/2012, các đảng phái ở Đức đã bắt đầu chuẩn bị kế hoạch, vạch ra đường lối của họ cho cuộc bầu cử Quốc hội Đức vào tháng 9/2013. Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây thì có 41% người Đức cho rằng ông Steinbruck thích hợp với chức vụ thủ tướng. Một đa số mong manh với 52% ngược lại không tin tưởng cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể đảm nhận trọng trách này. Giới phụ nữ đặt hy vọng nơi ông Steinbrück nhiều hơn (47%) so với đàn ông (35%). Riêng ở Tây Đức có 44% cho biết họ đồng thuận bầu ông Steinbrück, cao hơn nhiều so với 28% ở Đông Đức.

  • Hồng Quý - Hoàng Cúc (CAND tổng hợp)