Phông chữ

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã có hơn 2000 lượt người được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình hợp tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ bảo trợ xã hội giữa Bộ này với tổ chức Caristas (Đức) trong 10 năm qua.

Các cuộc tập huấn không chỉ đem lại những kỹ năng chăm sóc mà còn bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh đạo quản lý, chăm sóc người khuyết tật cho các đối tượng qua đào tạo.

Theo Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội nhu cầu đào tạo năng lực cho các cán bộ nhân viên công tác tại các cơ sở bảo trợ xã hội là rất lớn, bởi hiện nay tại các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật chỉ áp dụng nhữn kinh nghiệm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Những người làm công tác này chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về khuyết tật, cũng như năng lực sử dụng các phương pháp phục hồi chức năng và tái hòa nhập người khuyết tật với gia đình và cộng đồng.
 
Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng trên 10.000 cán bộ, nhân viên đang làm việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng, giáo dục tại 500 cơ sở bảo trợ xã hội và tại cộng đồng. Trong số này tốt nghiệp đại học, cao đẳng chiếm 27%; Trình độ trung cấp chiếm 35%; Sơ cấp chiếm 9%; khoảng 29% chưa qua đào tạo.

Cụ thể, có khoảng 3.000 nhân viên chưa qua đào tạo (9 năm từ 2004- 2012 có 1.450 người được tập huấn nghiệp vụ cơ bản, nếu tập huấn hết 3.000 người thì phải mất 10 năm nữa.)

Hiện nay, Caritas và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thực hiện Thỏa thuận hợp tác thứ 4 (giai đoạn 2011- 2013) khá hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng người chưa được học còn quá lớn. Chương trình chưa có chỉ tiêu cụ thể về số lượng được tập huấn cho từng năm, từng thời kỳ.

Qua đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị mở rộng vầ chuyên sâu hơn về nội dung tập huấn cho người khuyết tật; Cần chỉ ra chỉ tiêu đào tạo, tập huấn cho từng năm và giai đoạn cũng như các tiêu chí bảo đảm thực hiện đúng chỉ tiêu. /.

  • Phúc Hằng (TTXVN)