Phông chữ

Trong cơn bão của khủng hoảng nợ công,  thất nghiệp lan tràn, thì thành phố nhỏ Schwabisch Hall của Đức vẫn thiếu lao động lành nghề, và hàng nghìn người đã kéo tới đây tìm kiếm hy vọng.

Catia Cruz, 28 tuổi, là một đầu bếp người Bồ Đào Nha. Cô vừa chuyển tới đây chưa lâu và là một người trong đội quân lao động có tay nghề từ Nam Âu  đến tìm kiếm cơ hội ở Đức. Cô có việc làm ở Bồ Đào Nha, song việc làm đó chỉ đủ để cô sống một cách tằn tiện.

Còn ở đây, thành phố nhỏ Schwabisch Hall thuộc bang Baden-Wurttemberg là nơi đóng đô của nhiều doanh nghiệp gia đình cỡ nhỏ và vừa của Đức, xương sống của nền kinh tế xuất khẩu Đức. Họ thiếu lao động lành nghề một cách trầm trọng, tới mức mà thị trưởng thành phố quyết định ra tay. 

Tháng Giêng vừa qua, ông thị trưởng mở một chiến dịch tiếp thị cho thành phố. Ông mời phóng viên từ nhiều nước châu Âu tới thành phố của ông, trong đó có một phóng viên trẻ từ Bồ Đào Nha tên Madalena Queiros. Cô viết cho tờ nhật báo kinh doanh Diao Economico của Bồ Đào Nha, trong đó miêu tả thành phố nhỏ của Đức như một thiên đường với lương cao, nhà trẻ miễn phí, không có tắc nghẽn giao thông. Chỉ trong vài giờ, bài báo được lan truyền khắp Facebook và các mạng xã hội khác. 

Phản hồi từ chiến dịch PR này thật kinh khủng - Petra Hildenbrandt thuộc văn phòng tuyển dụng thành phố Schwabisch Hall cho biết. Chỉ riêng từ Bồ Đào Nha đã có 15 nghìn đơn xin việc được gửi tới đây. Nhưng đến giờ chỉ có một phần nhỏ trong số đó thực sự có việc làm tại Đức. Nhiều người không có bằng cấp đủ yêu cầu, và phần lớn các công ty Đức tìm người chuyên nghiệp. 

Rodrigo Garulo Galiana, tốt nghiệp Đại học Madrid ở Tây Ban Nha, hiện phụ trách kiểm soát chất lượng tại công ty thiết bị dược phẩm Bausch and Stroebel, cho biết anh cũng phải mất một thời gian để hòa nhập. Anh nói được tiếng Đức cơ bản. Kỹ sư 25 tuổi này cho biết, không có lựa chọn nào ngoài việc rời quê nhà Barcelona ra đi.

"Tìm việc ở đó thực sự khó. Các công ty có thể mời bạn đến phỏng vấn nhưng hiếm khi họ ký hợp đồng với bạn". David Costa Munoz, một kỹ sư Tây Ban Nha khác cũng đang làm việc tại Đức nói, giờ đây ngày càng ít công ty công nghệ cao ở Tây Ban Nha, và thường thì các kỹ sư lành nghề chỉ tìm được việc làm như thợ kỹ thuật.  

Đối với các công ty Đức, khó mà tuyển được một chuyên gia như David trong thời gian ngắn, vì các kỹ sư trẻ người Đức thường bị hút vào các công ty lớn trong vùng như Mercedes và BMW với lương cao hơn. Khủng hoảng kinh tế ở Châu Âu cũng khiến các khách hàng chủ yếu là từ Châu Á, Châu Âu không còn nhiều việc làm nữa. 

Nhiều thanh niên Nam Âu, Đông Âu gặp khó khăn hơn tại Schwabisch Hall vì họ không nói được tiếng Đức. Maria, một cô thư ký trẻ từ Tây Ban Nha, tham gia một lớp học tiếng Đức (ảnh) cùng với nhiều người Kazakhstan, Ukraina và Romania khác. Maria vẫn chưa tìm được việc, mặc dù cô đã nộp đơn vào 20 công ty khác nhau. Thực ra trước đó cô làm việc cho một nhà kho gần Frankfurkt, nhưng hợp đồng của cô kết thúc đầu năm nay. Cô đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Không có tiếng Đức thành thạo, cơ hội của cô tìm việc được trả lương tốt tại Schwabisch Hall là rất khó. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi thúc đẩy chương trình kinh tế khắc khổ, thường dùng cụm từ "Schwabisch Hausfrau" - bà nội trợ Swabia căn cơ. Bà Merkel thúc giục các bang của Đức hãy noi gương bang này. Trên thực tế, Đức vẫn là một trong số ít nước tạo ra việc làm cho thanh niên trong thời điểm khủng hoảng này. Khủng hoảng kinh tế Châu Âu đã tước đi cơ hội của một thế hệ thanh niên, và ở Đức họ tìm thấy một chỗ ẩn náu an toàn hơn các nơi khác, với một chương trình kinh tế khắc khổ bị nhiều nước khác phản đối. 

Một vấn đề nữa là, liệu bao nhiêu trong số những người di cư trẻ tuổi, tài năng ở Schwabisch Hall sẽ trở về xây dựng lại nền kinh tế của đất nước họ?

  • Bảo Chi - Theo BBC, Laodong