Phông chữ

Đồng euro giảm mạnh khi các phương tiện truyền thông dẫn lời bình luận của Thủ tướng Đức Merkel về tương lai không chắc chắn của eurozone.

Trong lời bình luận của mình về tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), bà Merkel cho biết: "Chúng ta vẫn chưa định hình được 'dự án châu Âu', do đó vẫn chưa thể chắc chắn rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta vẫn còn rất nhiều thứ phải làm".

Tuy nhiên, ngay sau bình luận trên, bà Merkel tiếp tục khẳng định bà cảm thấy lạc quan  rằng eurozone sẽ thành công, lời khẳng định khá quen thuộc của bà trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, bình luận cho thấy sự không chắc chắn về tương lai eurozone của bà Merkel đã ít nhiều tác động tới các nhà đầu tư, những người đang vô cùng thận trọng với triển vọng của khu vực đồng tiền chung.

Ngay khi giới tuyền thông phát đi ý kiến của Thủ tướng Đức, đồng euro giảm mạnh so với đồng USD. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu các nước khu vực ngoại vi châu Âu tăng mạnh.

Chiến lược gia tiền tệ cao cấp tại Wells Fargo ở New York, ông Vassili Serebriakov, cho rằng: "Bình luận của bà Merkel là nguyên nhân chính. Bà Merkel đang cố tình tạo áp lực để lái hội nghị giữa các nhà lãnh đạo châu Âu theo hướng mà bà mong muốn".

Theo ông Serebriakov, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, chưa từng có lời bình luận nào về việc eurozone sẽ không tồn tại, song nhận xét của bà Merkel vô tình đã đẩy lo ngại lên cao.

Chiến lược gia trưởng của European FX tại Morgan Stanley, ông Ian Stannard cho rằng: "Bức tranh của đồng tiền chung vẫn rất tiêu cực  và những thông tin về chính trị cũng như dữ liệu kinh tế đang chống lại đồng euro."

Trước đó, hôm 17/7, đồng euro tăng giá so với đồng USD khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke gợi ý về một đợt nới lỏng định lượng lớn mặc dù không khẳng định về việc sẽ có thêm các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng.

Trong một diễn biến khác, hôm qua 18/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng eurozone đang trong tình trạng vô cùng nguy hiểm song vẫn có khả năng khôi phục tín nhiệm nếu các nhà lãnh đạo kịp thời hành động để xây dựng một liên minh ngân hàng, cho ra đời trái phiếu chung eurobond và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bơm thêm tiền mặt.

Theo IMF, ECB nên đẩy mạnh hơn nữa việc mua nợ chính phủ và hỗ trợ cho các ngân hàng.

  • gafin.vn, Nguồn The Star, France24/DVT