Phông chữ

Sau 18 hội nghị gây thất vọng từ khi khủng hoảng nợ bắt đầu, lãnh đạo châu Âu ngày 29-6 đề ra được các biện pháp ngắn hạn và kế hoạch dài hạn chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc phục hồi lòng tin nhà đầu tư.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần 19 của Liên minh châu Âu (EU), các lãnh đạo đồng thuận cho phép sử dụng quỹ cứu trợ giải cứu trực tiếp các ngân hàng đang gặp khó khăn mà không chồng chất thêm nợ cho các chính phủ. Hành động này “phá vỡ vòng tròn lẩn quẩn” giữa ngân hàng và chính phủ. Quyết định sẽ được áp dụng từ ngày 9-7.

Thỏa thuận mới quy định rõ quỹ cứu trợ của châu Âu EFSF sẽ cung cấp cứu trợ theo quy định hiện tại cho đến khi quỹ mới là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) bắt đầu hoạt động vào tháng tới.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy gọi quyết định trên là một “đột phá”. Thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh, tương tự như vậy với giá trị đồng euro.

Quyết định trên cũng là một chiến thắng cho Tây Ban Nha và Ý - hai nước có chi phí đi vay đã tăng gần đến mức không bền vững bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi tiêu và cải tổ thị trường lao động.

Sau quyết định này, thủ tướng Đức Angela Merkel có thể sẽ đối mặt với sự chỉ trích tại quê nhà. Khi tham gia hội nghị thượng đỉnh lần 19, bà Merkel khẳng định mọi trợ giúp tài chính từ quỹ cứu trợ châu Âu phải đi kèm với những điều kiện khắc nghiệt. Vì vậy quyết định cho phép các quốc gia đang cải cách kinh tế tiếp cận dễ dàng hơn với quỹ cứu trợ mà không cần những điều kiện nghiêm ngặt được báo chí Đức xem là sự thất bại.

Các lãnh đạo EU cũng đồng thuận để quỹ cứu trợ khu vực mua lại nợ chính phủ trên thị trường nhằm tránh chi phí vay tăng.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng được trao quyền để giám sát hoạt động quỹ cứu trợ cho đến ngày 9-7 và giám sát các ngân hàng châu Âu cho đến cuối năm nay.

Ngoài ra, hội nghị cũng thống nhất dành ra 120 tỉ euro ngay lập tức nhằm kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Trong đó, 10 tỉ euro phân bổ cho Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), dự kiến sẽ thu hút thêm các nguồn vốn cho vay khác thêm 60 tỉ euro; 60 tỉ euro từ các quỹ chưa sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và tạo việc làm cho thanh niên; phát hành thí điểm trái phiếu của EU trị giá 4,5 tỉ euro nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, vận tải và viễn thông.

Một động thái quan trọng khác tại hội nghị là các lãnh đạo ủng hộ lộ trình Eurozone tiến tới liên minh tài chính. Kế hoạch 10 năm này do chủ tịch Van Rompuy trình bày, dự định xây dựng cơ quan tài chính chung của châu Âu có quyền lực với chương trình ngân sách các nước.

  • TẤN KHOA (Tuoitre, AP, BBC)