Phông chữ

Chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đình chỉ hình thức du lịch miễn thị thực tại một số khu vực thuộc châu Âu trong thời gian hai năm theo những quy định được đề xuất ngày 7/6 nhằm giải quyết mối lo ngại về làn sóng nhập cư ồ ạt.

Tại một cuộc họp ở Luxembourg, bộ trưởng nội vụ các nước EU đã nhất trí với các quy định mới cho phép các nước tái lập kiểm soát biên giới nếu một nước thường xuyên không thể ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp quy mô lớn vào khu vực Schengen của châu Âu.

Tuy nhiên, một quyết định như vậy sẽ chỉ được ban hành đi kèm với một quá trình theo dõi chặt chẽ các biên giới ngoài EU ít nhất trong 3 tháng và phát hiện có "mối đe dọa nghiêm trọng tới chính sách công cộng hoặc an ninh nội bộ" của EU.

Việc kiểm soát giữa quốc gia không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp ước Senghen và các nước EU khác có thể được thực hiện trong sáu tháng mỗi lần và có thể gia hạn tới hai năm.

Các quốc gia EU khác sẽ phải chấp thuận quy định này trước khi việc kiểm soát hộ chiếu được áp dụng. Các quy tắc mới nói trên cần giành được sự ủng hộ của Quốc hội châu Âu trước khi trở thành luật.

Hiện, để đảm bảo các biên giới bên ngoài của EU được bảo vệ tốt, các bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường giám sát việc thực hiện công tác kiểm tra, đặc biệt là tại Hy Lạp nơi thường xuyên bị trỉ chích vì sự yếu kém trong công tác bảo vệ biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong năm 2011, Cơ quan biên giới của EU Frontex cho biết đã ghi nhận hơn 60.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Hy Lạp, chủ yếu là người Afghanistan, Pakistan và Bangladesh.

Vấn đề kinh tế nghiêm trọng của Hy Lạp hiện nay cũng gây lo ngại về khả năng làn sóng người Hy Lạp hoặc người dân từ các nước châu Âu khác tràn vào các nước EU để mưu sinh. Đức và Pháp đã tốn khá nhiều công sức trong việc thúc đẩy tái kiểm soát biên giới.

Tuy nhiên, hai nước này cũng bị cảnh báo rằng việc vận động chống nhập cư đang phá hoại một trong những thành tựu chính sách hội nhập của châu Âu.

Khu vực Senghen gồm 27 nước thuộc EU trừ Anh, Ireland và Cộng hòa Síp. Romania và Bulgaria cũng đã tuân thủ hiệp ước và dự kiến sẽ sớm gia nhập khu vực trên. Các nước khác không thuộc EU tham gia hiệp ước này gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein./.

  • (TTXVN)