Phông chữ
Bà Merkel cũng kêu gọi quốc gia thành viên NATO này ủng hộ các nước phương Tây trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ankara, bà Merkel khẳng định một giải pháp cho vấn đề Síp là chìa khoá để thúc đẩy tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cần phải thực hiện các cam kết của mình theo nghị định thư Ankara, một thoả thuận đạt được năm 2005 về mở các hải cảng và sân bay của Thổ Nhĩ Kỳ cho giao thương của người Síp gốc Hy Lạp.

Từ lâu, bà Merkel đã tuyên bố ủng hộ một quy chế "đối tác ưu tiên," thay vì quy chế thành viên đầy đủ cho Thổ Nhĩ Kỳ và trong chuyến thăm này, bà Merkel cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Đức cho tiến trình đàm phán "bỏ ngỏ" giữa EU và Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán về gia nhập EU từ tháng 10/2005, song đến nay mới hoàn tất được 12/35 lĩnh vực cần đàm phán.

Liên quan đến vấn đề Iran, bà Merkel tỏ ý hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Mỹ và EU trong vấn đề này, tại hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân quốc tế tổ chức ở Washington vào tháng Tư tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẽ không ủng hộ việc trừng phạt kinh tế chống Iran, khẳng định mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh Iran là đối tác năng lượng lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, sau Nga.

Ông Erdogan vẫn khẳng định ngoại giao là giải pháp tốt nhất cho vấn đề Iran./.