Phông chữ

Báo chí Pháp cho rằng cần giữ Hy Lạp ở lại với Khu vực sử dụng đồng euro, nếu không sẽ xảy ra hậu quả khôn lường vì sau sự đổ vỡ của Hy Lạp sẽ là sự đổ vỡ của cả châu Âu. Xem ra đó cũng là lời cảnh báo của thần Zeus, thông qua việc máy bay chở Tổng thống Hollande bị sét đánh khi đang trên đường bay sang Berlin.


Qua bài xã luận “Sau Hy Lạp là châu Âu”, nhật báo Pháp Le Figaro viết việc Hy Lạp rút ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) không còn là điều cấm kị, nhưng may mắn là cả hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức đều khẳng định sự gắn bó với sự toàn vẹn của châu Âu.

Có hai lý do để giải thích vì sao châu Âu, nhất là Pháp và Đức, phải làm đủ mọi cách để giữ Hy Lạp ở lại với Eurozone.

Trên phương diện chính trị, từ hai năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã làm việc không mệt mỏi để duy trì khu vực đồng tiền chung Eurozone. Các nước trong Eurozone vượt qua mọi bất đồng để cứu nguy các quốc gia gặp khó khăn. Vì vậy, từ bỏ Hy Lạp sau những nỗ lực như vậy sẽ dẫn đến thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xây dựng châu Âu. Bởi vì sau Hy Lạp, Tây Ban Nha có thể chịu chung số phận.

Lý do thứ hai là vấn đề tài chính. Trên lý thuyết, sự phá sản của Hy Lạp do phải chi trả hàng chục tỷ euro tiền nợ có lẽ sẽ không đẩy châu Âu vào tình trạng nguy hiểm. Nhưng người ta lại chưa hề tính đến hiệu quả của sự lây lan và các thiệt hại khôn lường đi cùng sự phá sản nhà nước này. Trong bất kỳ trường hợp nào, không có gì biện minh cho việc EU liều lĩnh để cho Hy Lạp phá sản nhà nước.

Quan điểm này cũng được báo Le Monde chia sẻ trong bài xã luận “Berlin, Paris, Athens và lời cảnh báo của thần Zeus”.

Trong bối cảnh, cử tri Hy Lạp lại phải quay lại với các thùng phiếu, thị trường chứng khoán tụt giảm, lãi suất vay của Tây Ban Nha và Italy bị lên cao khiến cho tăng trưởng trở nên èo uột … Do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi máy bay của Tổng thống Pháp Hollande bị sét đánh trúng, khi đang trên đường đến Berlin. Có lẽ thần Zeus (vua của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp) cũng muốn cảnh báo ông Hollande về hậu quả của việc bỏ rơi Hy Lạp, theo cách riêng ngài.

Theo Le Monde, vận mệnh của Hy Lạp là do chính người dân nước này quyết định đầu tiên. Tuy nhiên, việc đề nghị Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng euro, bất kể bằng cách ép buộc hay qua thỏa thuận,  đều có thể dẫn đến một tác động tàn phá nặng nề.

Đối với Eurozone, sự ra đi của một thành viên trong khối sẽ dẫn đến một thất bại thảm khốc. Đó là một khu vực đồng tiền chung giàu có lại không thể nào đến cứu nổi một nước thành viên có khoản nợ chỉ chiếm có 2% của GDP của toàn khối. Thất bại này sẽ để lại hình ảnh xấu cho đồng euro.

Đối với người dân Hy Lạp, đó sẽ còn là một bi kịch tệ hại hơn bi kịch mà họ đang nếm trải hiện nay. Bởi vì, nếu người Hy Lạp phải quay lại sử dụng đồng drachma, điều đầu tiên xảy ra là đồng tiền này sẽ bị giảm giá đến 50% vì… họ chẳng có gì để mà xuất khẩu. Thậm chí, mức sống của họ có lẽ sẽ giảm sút không chỉ 10-20% mà còn giảm sút tới 50%. Thay lời kết luận, báo Le Monde viết “hy vọng rằng lời cảnh báo của thần Zeus đã được (giới chính khách châu Âu) thấu hiểu”.

Thế nhưng, trong khi hai nhà lãnh đạo Pháp-Đức xem ra thấu hiểu lời cảnh báo của thần Zeus, thì tại xứ sở của ngài, người dân lại đổ xô đến các ngân hàng rút hết tiền mặt. Đáng lo ngại nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cho ngưng các hoạt động tái cấp vốn cho một số ngân hàng Hy Lạp.

Theo Le Figaro, từ hồi đầu tuần này, người dân Hy Lạp đã lũ lượt kéo nhau đến rút hết tiền tại các ngân hàng để cất giữ tại nhà. Hơn một tỷ euro đã được rút ra tính từ đầu tuần tới nay(tương đương với khoảng 700-800 triệu euro/ngày). Tính từ năm 2010 đến nay, khoảng 75 tỷ euro đã bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp.

Một tín hiệu xấu khác có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại Hy Lạp là ngày 16/5, ECB tuyên bố sẽ ngưng các hoạt động tái cấp vốn cho một số ngân hàng Hy Lạp “do các ngân hàng này đã không được tái đầu tư vốn một cách đúng đắn”. Thậm chí, Chủ tịch ECB Mario Draghi còn gợi ý để cho Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng euro.

Thế nhưng, theo nhận xét của một chuyên gia phân tích tài chính thì ECB không thể bỏ rơi Hy Lạp, bởi lẽ nếu quốc gia này rời khỏi Khu vực đồng euro, thì “tất cả các ngân hàng trung ương các nước thành viên sẽ phải trả giá đắt… và  cả Eurozone chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Trong khi các ngân hàng Hy Lạp khốn khổ vì lượng tiền mặt đang ngày càng khan hiếm,, thì ngành kinh doanh két sắt an toàn lại phất lên đáng kể. Doanh thu trong lãnh vực này trong những ngày gần đây tăng lên đến 40%. Lượng hàng tồn kho cũng không đủ cung cấp cho khách hàng. Các nhà kinh doanh Hy Lạp phải liên tục đặt hàng từ các nhà sản xuất Italy và thậm chí, họ phải mua lại các két sắt cũ, tân trang và bán cho khách hàng.

  • Theo RFI