Phông chữ

10 ngày trước khi bước vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, cả hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc Liên minh phong trào vì nhân dân (UMP) và ông Francois Hollande thuộc đảng Xã hội (PS) đều đang nỗ lực tạo cho mình diện mạo mới bằng những kế hoạch mới.

Ngoài việc cố gắng thu phục cảm tình của những cử tri đã bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen quay sang ủng hộ mình trong cuộc đua sắp tới, cả ông Hollande và ông Sarkozy đều đưa ra những chiến thuật riêng nhằm gia tăng sự ủng hộ của cử tri trong nước cũng như các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Với lời kêu gọi đàm phán lại Hiệp ước về tài chính của EU nhằm thúc đẩy tăng trưởng, chiến dịch vận động của ông Hollande đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri và đặc biệt là các nước thành viên trong khối, coi đây là trọng tâm trong chiến lược kinh tế của ông.

Trong kế hoạch của mình, ông Hollande nêu ra bốn thay đổi cơ bản, theo đó sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng euro nhằm huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng công nghiệp; mở các quỹ đầu tư; thuế giao dịch tài chính và huy động các nguồn đầu tư cơ cấu chưa được sử dụng.

Ông Hollande khẳng định các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ủng hộ ý tưởng của ông, nhấn mạnh rằng tăng trưởng là giải pháp hiệu quả hơn cả nhằm đạt cả hai mục tiêu kiểm soát nợ và giảm thâm hụt ngân sách.

Trong khi đó, ứng cử viên UMP Sarkozy đã đưa ra những đòn phản công đối thủ của mình, cho rằng tăng trưởng là giải pháp mong muốn, song những đề xuất của ông Hollande nhằm tăng chi tiêu công và thuê hàng nghìn nhân công trong khu vực nhà nước là vô trách nhiệm.

Theo giới quan sát, cho đến nay, xét về tương quan lực lượng tả - hữu thì ông Sarkozy vẫn ở thế bất lợi và cần đến phiếu của cử tri đảng cực hữu hơn là ông Hollande. Về mặt lý thuyết, những cử tri đã bầu cho bà Le Pen lẽ ra sẽ dồn phiếu cho ông Sarkozy, nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Rất nhiều cử tri FN không ủng hộ PS, song cũng không chấp nhận ông Sarkozy do trong thành phần cử tri của đảng này có rất nhiều người thuộc tầng lớp nghèo, bất mãn với các chính sách của đương kim Tổng thống Sarkozy được cho là có lợi cho người giàu.

Theo dự đoán, trong vòng hai, rất nhiều cử tri của FN sẽ bỏ phiếu trắng, không bầu cho ứng cử viên nào, một kết quả bất lợi cho ông Sarkozy. Trong khi đó, khối cử tri trung dung của ứng cử viên Francois Bayrou cũng được cho là một lực lượng có tiếng nói quan trọng đối với cả hai ứng cử viên vào vòng hai. Cho tới nay, ông Bayrou chưa kêu gọi cử tri của ông bỏ phiếu cho ai ở vòng hai, nhưng thành phần cử tri này cũng sẽ bị chia làm hai, chứ không dồn hắn phiếu cho ứng cử viên nào./.

  • (TTXVN)