Phông chữ

Sau khi có thoả thuận về việc hỗ trợ Hy Lạp, thị trường tài chính đã phản ứng tích cực, đồng euro bắt đầu tăng nhẹ so với đồng USD; trong khi đó, Hy Lạp bắt đầu tiếp cận được các khoản vay trên thị trường bắt buộc với tỷ lệ lãi suất thấp hơn.


Thủ tướng Đức Angela Merkel được coi là người giành thắng lợi tại hội nghị thượng đỉnh này vì đã áp đặt được quan điểm của mình đối với các quốc gia khác. Trong một bài phát biểu tại hội nghị, bà Merkel ca ngợi kế hoạch hỗ trợ Hy Lạp vừa đạt được, cho rằng thoả thuận này cho thấy một mặt các nước thành viên khu vực đồng euro không cho phép đồng euro bị bất ổn, mặt khác đây là một dấu hiệu của sự đoàn kết.

Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tỏ rõ thiện chí của nước này trong việc giải quyết khủng hoảng. “Tôi xin khẳng định rằng, chúng tôi kiên quyết đối mặt với vấn đề tài khoá trong nước, chuẩn bị cho những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế, chính trị và xã hội của Hy lạp. Chúng tôi tạo môi trường cho một nền kinh tế ổn định, minh bạch và công bằng”, ông Papandreou nói.

Ngoài kế hoạch trợ giúp Hy Lạp, các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU cũng thông qua chiến lược phát triển kinh tế của châu Âu có tên gọi “Châu Âu 2020” nhằm chống tình trạng thâm hụt ngân sách và kích thích tăng trưởng. Chiến lược đề ra các mục tiêu lớn như: tăng tỷ lệ người lao động từ 20-64 tuổi có việc làm từ 69% lên 75% tại châu Âu; tăng số thanh niên được đào tạo đại học; tăng ngân sách dành cho nghiên cứu lên 3% GDP; giảm số người sống trong mức nghèo và tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo…

Dựa trên các mục tiêu chung này, các nước thành viên EU sẽ phải xác định các mục tiêu quốc gia và thời hạn hoàn thành các mục tiêu của mình. Kết quả sẽ được xem xét tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tháng 6/2010./.