Phông chữ

Lý do được Bộ Nội vụ Israel đưa ra để diễn giải cho lệnh cấm đối với nhà văn Đức đoạt giải Nobel Gunter Grass là bởi ông đã viết bài thơ chỉ trích Israel gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới.

Ngày 9.4, Bộ trưởng Nội vụ Israel Eli Yishai cho biết, nhà văn Grass bị đưa vào danh sách “người không được chào đón” (persona non grata) và sẽ không còn được phép nhập cảnh vào nước này. Bộ trưởng Yishai còn mỉa mai: “Bài thơ “What must be said” (tạm dịch: “Những điều cần nói”) của ông Grass là một nỗ lực nhằm thổi bùng làn sóng chống Israel, người dân Israel. Nếu như ông Grass muốn tuyên truyền cho những tác phẩm bóp méo sự thật, tôi khuyên ông ta nên làm điều đó ở Iran - nơi chắc chắn sẽ có khán giả ủng hộ”. 

Bài thơ “Những điều cần nói” được xuất bản hồi tuần trước trên nhật báo Đức Suddeutsche, nhà văn 84 tuổi cho rằng không thể để Israel không kích Iran chỉ vì lo ngại Iran đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Grass còn chỉ trích thái độ thù địch của Israel với Iran và rằng Nhà nước Do Thái đang đe dọa tới nền hòa bình thế giới. Bài thơ đồng thời cảnh báo nước Đức có nguy cơ đồng lõa với tội ác thông qua việc bán tàu ngầm cho Israel.

Giới chính trị gia của Israel đã lập tức phản ứng gay gắt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói, việc nhà văn Grass so sánh Israel và Iran là điều hổ thẹn và nhận xét rằng bài thơ “nói ít về Israel mà nói nhiều về ông Grass”. “Những vần thơ của ông Grass quảng bá cho tư tưởng mà ông ta từng là một phần của nó khi mặc bộ quân phục SS (tổ chức quân sự của Quốc xã Đức)” - Bộ trưởng Yishai ám chỉ đến lời thừa nhận trước đây của Grass rằng ông từng là một binh sĩ của Quốc xã Đức ở tuổi 17. 

Bài thơ cũng gây tranh cãi lớn tại nước Đức, khi Ngoại trưởng Guido Westerwelle gọi sự so sánh giữa Israel và Iran là “lố bịch”. Ông Westerwelle viết rằng, nước Đức “cần có trách nhiệm lịch sử với người dân Israel”.

Nhằm dập tắt những lời chỉ trích và cáo buộc về tư tưởng bài Do Thái của mình, ông Grass đã phân trần rằng ông chỉ đơn thuần nêu quan điểm về chính phủ của Thủ tướng Israel Netanyahu. Nhà văn Grass khẳng định, ông là một người  bạn của Israel. “Tôi vẫn luôn ủng hộ Israel. Tôi thường xuyên đến quốc gia này và muốn họ tồn tại và chung sống hòa bình với các quốc gia láng giềng” - ông trả lời trên nhật báo Süddeutsche.

Nhà văn Grass từng được cho là một trong những tiếng nói cánh tả quan trọng tại Đức, song uy tín của ông bị lung lay khi ông thừa nhận về việc từng là thành viên của đội quân phátxít Waffen của Hitler. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông “The Tin Drum” (Chiếc trống thiếc) vẫn được xem là một thông điệp phản chiến mạnh mẽ.

  • P.T (Theo BBC, Reuters, Laodong)