Phông chữ

Azerbaijan sẽ cho phép Israel sử dụng các sân bay của mình trong kế hoạch tấn công Iran? Đó là điều được khẳng định trong bài báo Azerbaijan, bãi đáp bí mật của Israel đăng trên chuyên san Foreign Policy ngày 30-3-2012.

Israel mượn Azerbaijan làm bàn đạp tấn công Iran

Các quan chức Mỹ tin rằng với bàn đạp này, kế hoạch tấn công Iran của Tel Aviv trở nên khả thi hơn bao giờ hết dù trước đó có những tin tức cho rằng nó sẽ được hoãn đến năm sau.

Các nguồn tin quân sự và ngoại giao Mỹ cho biết Israel đã tiếp cận được các sân bay ở phía bắc biên giới Iran. “Israel đã mua một sân bay mới được gọi là Azerbaijan” - một nguồn tin nói. Các chuyên gia nhận định thỏa thuận có thể đạt được thông qua hàng loạt thỏa thuận quân sự, chính trị ngầm.

Trước đó, trang WikiLeaks tiết lộ một thông điệp từ đại sứ Mỹ Donald Lu ở thủ đô Baku của Azerbaijan (thuộc khu vực Âu - Á) đã đề cập mối quan hệ “cộng sinh” bí mật giữa hai nước này. Thông điệp dẫn nguồn Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan so sánh mối quan hệ với Tel Aviv như một tảng băng chìm, “chỉ có 1/10 nổi lên bề mặt”.

Siết chặt quan hệ

Mối quan hệ Israel - Azerbaijan được thắt chặt hơn bao giờ hết với việc Tel Aviv hồi tháng 2-2012 cam kết hỗ trợ Baku các chiến đấu cơ hiện đại và hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 1,6 tỉ USD.

Đổi lại, như trang mạng tình báo cho biết “Baku đã trở thành đầu cầu cho các chiến dịch của Israel chống Iran”, đặc biệt là cho các cơ quan tình báo bí mật của Israel để sát hại các chuyên gia hạt nhân của Iran. Baku mới đây tuyên bố bắt giữ 22 gián điệp của Iran để đáp trả việc Tehran tháng trước cáo buộc nước này hỗ trợ Israel ám sát các nhà khoa học hạt nhân của Iran.

Bắt đầu xây dựng quan hệ với Azerbaijan từ năm 1994-1995, từ năm 2001 Tel Aviv tăng cường trao đổi quân sự với Baku như cải tiến dòng máy bay SU-25 Scorpion để bán cho Baku. Israel còn hợp tác với Azerbaijan xây dựng hệ thống vệ tinh do thám và năm 2009 đàm phán sản xuất xe chiến đấu bộ binh.

Một bài viết trên tạp chí Trung Đông mô tả các công ty Israel “dựng hàng rào xung quanh sân bay quốc tế, giám sát và bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng của Baku, thậm chí còn hỗ trợ an ninh cho các chuyến công du nước ngoài của tổng thống Azerbaijan”. Vẫn theo bài báo này, Azerbaijan chia sẻ thông tin tình báo với người bạn tốt Israel. Israel mô tả Baku là một trong số ít quốc gia Hồi giáo đem lại cho Tel Aviv cảm giác được chào đón.

“Chúng tôi đang theo dõi động thái của Israel ở Azerbaijan và cảm thấy không hài lòng” - một quan chức tình báo Mỹ tham gia đánh giá khả năng xảy ra chiến sự ở Trung Đông nói. Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ lo ngại về việc Baku sở hữu máy bay chiến đấu của Tel Aviv. Cuối tháng 11-2011, Ankara từng phát hiện một xác máy bay của Israel bên trong lãnh hải nước này trên Địa Trung Hải.

Đôi bên cùng có lợi

Các sân bay của Azerbaijan vô cùng quan trọng với kế hoạch tấn công của Israel. Nó sẽ cho phép các máy bay thả bom hiện đại F-15I và F-16I không cần phải quay về tái nạp nhiên liệu sau khi vượt hơn 3.500km để tấn công Iran, mà có thể đi lên phía bắc để dừng chân. Tướng Joe Hoar, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy trung ương Mỹ, ước tính các máy bay Israel sẽ tiết kiệm được hơn 1.200km nhiên liệu.

Một quan chức quân sự Mỹ khác lý giải việc rút ngắn khoảng cách bay sẽ làm tăng khả năng thành công của các vụ không kích, bởi máy bay sẽ chở được nhiều bom hơn thay vì phải chở nhiều nhiên liệu.

Các sân bay sẽ giải quyết được chỗ hạ cánh cho những chiến đấu cơ F-15I, vốn làm nhiệm vụ đánh chặn, bảo vệ máy bay thả bom F-16I và thường tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Ngoài ra, nó cũng giải phóng Tel Aviv khỏi hệ thống tiếp nhiên liệu trên không vốn không mấy tốt của nước này.

Các sân bay dẫn đầu danh sách tình nghi là Sitalcay, cách Baku hơn 60km. Sân bay này vừa không gây chú ý do nằm ngoài Baku nhưng rất hiện đại với các cơ sở hạ tầng từng được dùng cho máy bay Sukhoi SU-25 của Liên Xô. Một quan chức tình báo quân sự Mỹ khẳng định Israel đã đặt nhiều đơn vị trực thăng tại các sân bay của Azerbaijan.

Azerbaijan rõ ràng cũng có lợi trong quan hệ với Israel - khách hàng mua dầu nhiều nhất của Baku, đồng thời là nhà cung cấp vũ khí giúp nước này nâng cấp hệ thống quân sự đang chịu sự trừng phạt của Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu. Việc hiện đại hóa vũ khí, khí tài giúp Azerbaijan hạn chế nguy cơ bị Iran can thiệp.

“Chính quyền Azerbaijan có những lo ngại riêng” - chuyên gia Alexander Murinson nhận định. Thế nhưng nhà chính trị học Leila Alieva cảnh báo Chính phủ Azerbaijan đang có một chọn lựa nguy hiểm khi đi với phương Tây để bảo vệ sự độc lập của mình. “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã có một tính toán sai lầm là sử dụng mối quan hệ tốt đẹp với Israel để cải thiện quan hệ với Washington”.

Nhà văn Đức từng đoạt giải Nobel văn học Günter Grass -Ảnh: Reuters

Nhà văn Đức Günter Grass: “Điều phải nói”

Dư luận thế giới gần đây quan tâm đến bài thơ đặc biệt của nhà văn Đức từng đoạt giải Nobel văn học Günter Grass. Trong bài thơ Điều cần phải nói đăng trên nhật báo Sueddeutsche Zeitung ngày 4-6, ông Grass, 84 tuổi, chỉ trích Israel “đe dọa hòa bình thế giới vốn đang mong manh”. Và “tôi sẽ không im lặng nữa” - ông viết và chuyển sang thế tấn công bằng ngòi bút của mình.

Đích nhắm đầu tiên là Israel, “nước mà từ nhiều năm qua đang có một kho hạt nhân ngày càng lớn, nhưng nếu nó được giữ bí mật và không bị kiểm soát là vì không có sự kiểm tra nào được cho phép”.

Đích nhắm thứ hai là chính nước Đức của ông, nước vừa bán cho Israel tàu ngầm thứ sáu mang đầu đạn hạt nhân.

Đích nhắm thứ ba là “thứ đạo đức giả của phương Tây”.

Israel đã phản ứng mạnh mẽ với bài thơ của ông khi kết tội ông là “bài Do Thái”. Reuters dẫn lời ông sau đó cho biết ông chỉ muốn nhắm đến chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chứ không phải đất nước Israel. Khắp nước Đức đã có đến 70 cuộc diễu hành hòa bình ủng hộ ông Günter Grass. Iran hoan nghênh bài thơ của ông đã thể hiện “tính nhân văn” và “ý thức trách nhiệm” của một nhà văn Đức.

  • TRẦN PHƯƠNG, TTO