Phông chữ

Hội nghị đã thể hiện được ý chí kiên định của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống hoạt động khủng bố hạt nhân.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân diễn ra trong 2 ngày và đã kết thúc vào chiều 27/3 tại Seoul (Hàn Quốc). Hội nghị đã ra tuyên bố chung phản ánh những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.

Về đối phó với thách thức trong quản lý hạt nhân

Để đối phó với tình trạng nguyên liệu hạt nhân đang bị phân tán, nguy cơ kỹ thuật chế tạo vũ khí giết người hàng loạt truyền bá rộng rãi và quản lý hữu hiệu khối lượng khổng lồ uranium làm giàu với nồng độ cao (1.600 tấn) và plutonium (500 tấn), đủ để chế tạo khoảng 126.500 đầu đạn hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân đã kết thúc vào chiều 27/3 tại Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Internet)

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh, khủng bố hạt nhân là “một trong những mối đe dọa thách thức nhất đối với an ninh quốc tế” và cam kết sẽ “hành động hướng tới việc tăng cường an ninh hạt nhân, làm giảm mối đe dọa từ khủng bố hạt nhân và ngăn chặn những kẻ khủng bố, tội phạm hoặc mua trái phép nguyên liệu hạt nhân”.

Nhằm tăng cường tính pháp lý quốc tế, Hội nghị lần này đã kêu gọi các quốc gia phê duyệt điều sửa đổi, bổ sung Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) sẽ có hiệu lực vào năm 2014.

CPPNM được ký kết vào năm 1980, chỉ mang tính ràng buộc pháp lý quốc tế trong việc bảo vệ thực thể của vật liệu hạt nhân. Các sửa đổi chỉ có thể có hiệu lực với sự chấp thuận ít nhất của 2/3 các nước thành viên.

Những người tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Seoul về an ninh hạt nhân tuyên bố rằng, cuối năm 2013, các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ phải công bố các hành động cụ thể nhằm giảm thiểu sử dụng uranium làm giàu cao và thúc đẩy việc sử dụng uranium làm giàu ở cấp độ thấp để thay thế.

Hội nghị cũng đã thể hiện được ý chí kiên định của cộng đồng quốc tế trong việc phòng chống hoạt động khủng bố hạt nhân, ủng hộ hoạt động của các tổ chức quốc tế, nhất là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong nỗ lực ngăn chặn việc tinh chế, gia công các vật chất hạt nhân có thể dùng vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Về bảo đảm an toàn hạt nhân dân sự

Ngày nay, các vật chất phóng xạ hiện đã được sử dụng với quy mô và phạm vi vô cùng rộng lớn, nhất là trong lĩnh vực y học và công nghiệp. Chỉ tính riêng các lò phản ứng hạt nhân đang phát điện toàn thế giới đã có gần 450 lò. Trước khi xảy ra động đất sóng thần ở Nhật Bản, người ta còn dự báo đến năm 2050 thế giới cần phải xây thêm 900 nhà máy điện hạt nhân nữa để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Sau sự cố điện hạt nhân Nhật Bản, nhiều nước tuyên bố tạm dừng xây dựng, tạm thời đóng cửa, đóng băng hoặc xem xét lại kế hoạch phát triển điện hạt nhân của mình… Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có 4 nước là Nhật Bản, Đức, Italy, Thụy Sỹ tuyên bố hạn chế sự phụ thuộc và từ bỏ năng lượng điện hạt nhân.

Trong khi đó, ngày 1/9/2011, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), bà Maria van der Hoeven lại tuyên bố: “Loài người vẫn cần năng lượng nguyên tử bất chấp cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima I của Nhật Bản và ý định từ bỏ năng lượng hạt nhân của một số nước”.

Vì thế, trong tuyên bố chung các nhà lãnh đạo đã kêu gọi các biện pháp an ninh hạt nhân đi kèm với các biện pháp an toàn hạt nhân “một cách chặt chẽ và hiệp đồng”. Điều đó phản ánh mối quan tâm chung của quốc tế về sự an toàn của nhà máy điện nguyên tử sau thảm họa sóng thần đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản hồi năm 2011.

Về giải trừ vũ khí hạt nhân

Tuy chưa đưa ra được những quyết định mới về các chỉ tiêu cụ thể cho việc cắt giảm nguyên liệu hạt nhân và cam kết của các nước tham dự Hội nghị về giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng trong tuyên bố chung các nhà lãnh đạo của hơn 50 quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Seoul cũng đã tái khẳng định “mục tiêu chung của giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và hòa bình sử dụng năng lượng hạt nhân”.

Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng, các biện pháp để tăng cường an ninh hạt nhân không cản trở quyền của các quốc gia phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình.

Như vậy, với kết quả quan trọng của Hội nghị lần này, cộng đồng quốc tế cũng đã có cơ sở để hy vọng tất cả các quốc gia sẽ có hành động trách nhiệm và hiệu quả hơn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân toàn cầu./.                       

  • CTV Nguyễn Nhâm/VOVonline