Phông chữ

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/3 bất ngờ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Đệ nhất phu nhân Syria - Asma al-Assad cùng với 10 thành viên khác trong gia đình Tổng thống Bashar al-Asad khi tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục gia tăng trên khắp đất nước này.

Theo đó, bà Asma nằm trong danh sách 12 người Syria, gồm một số người thân của Tổng thống, sẽ bị các Bộ trưởng Ngoại giao EU xem xét cấm đi lại và phong tỏa tài sản ở khối gồm 27 quốc gia này. Tuy nhiên, các quan chức Anh cho biết, lệnh cấm không ngăn được bà Asma tới Anh.

Tổng thống Bashar al-Asad và phu nhân (Ảnh: Getty)

Đệ nhất phu nhân Syria, 36 tuổi, một người gốc Syria nhưng sinh ra tại Anh và sinh sống phần lớn ở Tây London trước khi kết hôn với Tổng thống Assad.  Bà là một lãnh đạo ngân hàng của Syria. Cơ quan biên giới Anh xác nhận bà Asma là một công dân Anh.

Bên cạnh đệ nhất phu nhân Syria, lệnh cấm vận của EU còn nhằm vào mẹ, chị gái, chị dâu của Tổng thống Al-Assad cùng 8 Bộ trưởng và 2 người hầu cận trong chính quyền của ông.

Quyết định áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với gia đình và các tay chân thân tín của Tổng thống Assad được đưa ra sau khi báo chí của Anh đưa tin về cuộc sống xa hoa của gia đình Nhà lãnh đạo Syria này.
 
Tờ Guardian của Anh hồi tuần trước cho biết, họ đã được các nhà hoạt động của Syria cung cấp một kho gồm khoảng 3.000 bức email và tài liệu được cho là của Tổng thống Assad và người vợ Asma của ông này. Dù thừa nhận “không thể loại trừ khả năng đây là những bức thư và tài liệu giả” nhưng tờ Guardian vẫn “vẽ” lên một bức tranh về cuộc sống xa hoa của vợ chồng Tổng thống Assad.

Trước đó, EU đã áp đặt 12 lệnh trừng phạt đối với Syria nhằm áp chế chính quyền của nước này ngừng các hành động trấn áp người biểu tình dã man.

Trong 12 lệnh cấm vận trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên EU đã nhất trí đưa 150 pháp nhân và cá nhân ở Syria vào danh sách đen. Ông Assad đã nằm trong danh sách cấm đi lại và phong tỏa tài sản của EU từ tháng 5/2011.

EU còn cấm buôn bán vàng và các kim loại quý với Syria cũng như cấm những chuyến bay chở hàng của Syria hoạt động ở châu Âu. Trước đó, khối này đã áp đặt các lệnh cấm vận dầu mỏ và vũ khí với Syria để gây áp lực lên chính quyền của Tổng thống Assad.

Ngoài ra, 6 trong số 19 nước EU có đại sứ quán ở Syria đã rút phái đoàn ngoại giao của mình về nước, bao gồm Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Italy. 

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, tính đến nay, 1 năm sau khi làn sóng biểu tình chống Chính phủ bùng nổ ở Syria, đã có gần 8.000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa người biểu tình và lực lượng chính phủ, trong đó chủ yếu là dân thường.

Các cường quốc và Liên Hợp Quốc đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn tình trạng đổ máu tiếp diễn ở quốc gia này./.

  • Bích Lan/VOV online

(Tổng hợp)