Phông chữ

Đó là tinh thần chung của cuộc gặp giữa Pháp và Đức nhằm thúc đẩy hợp tác để cứu Châu Âu và bổ sung sức mạnh, lợi thế cho nhau cùng phát triển.

Cuộc gặp do Trung tâm phân tích chiến lược, thuộc Văn phòng Thủ tướng Pháp tổ chức ngày 13/2. Đây là một trong những sự kiện được chú ý, cho thấy ý định nghiêm túc và thực sự thúc đẩy trục Pháp- Đức đi xa hơn.

Tại cuộc gặp, diễn giả chính là ông Bernard de Montferrand, cựu Đại sứ Pháp tại Đức từ năm 2007 - 2011, đã phân tích sâu những điểm mạnh điểm yếu của hai nước Pháp và Đức. Trong đó, có nhiều điểm hai bên có thể bổ sung cho nhau, ví dụ như Đức có nỗi lo về dân số già và mất cân bằng thì nước Pháp lại có dân số khá đông. Trong một bộ phận dân số Đức có xu hướng khép mình lại với bên ngoài thì nước Pháp lại có một vị thế nổi bật ở khu vực và trên thế giới có thể hỗ trợ nâng cao vị thế của Đức ở phạm vi toàn cầu.

Ông Bernard de Montferrand đang diễn giải tại cuộc Hội đàm

Từ những phân tích đó, cựu đại sứ Pháp tại Đức cho rằng hai nước cần đoàn kết với nhau vì nhiều mục đích: “Cách tiếp cận của tôi rất lạc quan, có thể làm nản lòng những ai còn chần chừ về sự thống nhất châu Âu hay những kẻ cơ hội muốn đầu cơ. Nước Đức cũng muốn có một Châu Âu ổn định, tuyệt đối không muốn khu vực đồng euro sụp đổ, bởi đó là thị trường của Đức và nếu Eurozone sụp, Đông Đức, vùng kém phát triển hơn, cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thêm nữa, với sức mạnh quốc phòng và ngoại giao đang lên, nước Đức cần một điểm tựa vững mạnh sau lưng. Đó chính là châu Âu. Do đó, trước hết, Pháp- Đức cần tăng cường đoàn kết để cứu Châu Âu. Hai bên cũng bổ sung sức mạnh và lợi thế cho nhau để cùng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế”.

Cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công đã làm rực sáng một nước Đức vững mạnh về kinh tế, hình mẫu để các nước khác học tập. Song theo ông Bernard de Montferrand, nước Đức cũng có những điểm yếu mà nước Pháp có thể bổ trợ.  Nước Đức vượt Pháp trong ngành công nghiệp ô tô và kể cả trong sản xuất nông nghiệp;

Đức có những nghiên cứu phát triển vô cùng hiệu quả, tỷ lệ đưa các nghiên cứu vào sản xuất thành công cao bậc nhất thế giới ; các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức cũng có năng lực rất cao và năng động. Trong khi đó, nước Pháp lại nổi bật hơn Đức với hệ thống tài chính linh hoạt, thế mạnh về năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân…

Cụ thể, để tăng cường trục hợp tác Pháp – Đức, theo nhà ngoại giao Bernard de Montferrand, hai bên cần tăng cường các cuộc đối thoại, tranh luận chiến lược, tham vấn nhau trong việc đưa ra các chính sách tài khóa và kinh tế trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên doanh Pháp – Đức phát triển tốt hơn nữa…

Ông Bernard de Montferrand là nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm, từng làm đại diện ngoại giao của Pháp tại nhiều địa bàn Đức, Mỹ cũng như Châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore. Ông cũng làm cố vấn chính sách cho chính phủ của cựu Thủ tướng Balladur từ cách đây khoảng 20 năm.

Trung tâm phân tích chiến lược là cơ quan nghiên cứu độc lập thuộc Văn phòng Thủ tướng Pháp, chuyên nghiên cứu và cố vấn chính sách cho chính phủ. Những buổi gặp gỡ chuyên đề do trung tâm này tổ chức phần nào giúp nhận định và dự đoán xu hướng chính trị- ngoại giao- kinh tế của nước Pháp./.

  • Thùy Vân – Đào Dũng/ Từ Paris, VOV