Phông chữ

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã công bố một loạt biện pháp khẩn cấp được cho là “cực kỳ mạnh mẽ” để chống thất nghiệp ở nước này, với tổng chi phí khoảng 430 triệu euro.

Gói biện pháp trên được đưa ra trong cuộc gặp ngày 18/1 của ông Sarkozy với đại diện các công đoàn lớn và giới chủ Pháp để thảo luận vấn đề chống thất nghiệp, trong bối cảnh nước này vừa bị tụt hạng tín nhiệm xuống mức AA.

Tổng thống Pháp Sarkozy cho rằng, “tình hình kinh tế nước Pháp hiện đang rất nghiêm trọng, đặc biệt là trên lĩnh vực việc làm, đòi hỏi phải đưa ra những quyết định mạnh mẽ và nhanh chóng.”

Mặc dù chỉ đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng "khiêm tốn" 1,7% năm 2011, nhưng từ quý IV/2011, kinh tế Pháp đã suy giảm nghiêm trọng. Theo Tổng thống Pháp, chính sự suy giảm kinh tế này là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao tại Pháp.

Sau 5 tháng đầu năm 2011, suy giảm kinh tế liên tục, thất nghiệp bắt đầu tăng và đến cuối năm ngoái, số người thất nghiệp đã tăng 122.000 người. Hiện số người thất nghiệp ở Pháp chiếm gần 10% lực lượng lao động, là mức cao nhất trong 12 năm qua.

Giá công lao động ở thị trường Pháp cũng đã tăng 20%, trong khi ở Đức chỉ là 7%. Trong khi đó, gánh nặng các chính sách xã hội ngày càng đè lên vai những người làm công ăn lương. Các chi phí chính sách xã hội mỗi năm lên tới 400 tỷ euro. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, tình hình đó đòi hỏi phải có các giải pháp cấp bách ngay lập tức.

Theo gói biện pháp khẩn cấp chống thất nghiệp kể trên, Pháp sẽ cải cách mạnh việc đào tạo cho người bị thất nghiệp lâu (trên hai năm), tăng cường xây dựng nhà ở xã hội, tăng 1.000 biên chế mới tại các cơ quan hỗ trợ tìm kiếm việc làm, và sẽ dùng ngân sách hiện có để tài trợ cho những biện pháp cải cách này nhằm tránh tăng thâm hụt ngân sách.

Ngoài các biện pháp trên, Tổng thống Pháp cũng cho biết, một loạt cải cách nữa sẽ sớm được công bố (có thể vào cuối tháng này), do hiện chưa đạt được đồng thuận với đại diện các công đoàn và giới chủ, đặc biệt là cải cách liên quan đến thuế VAT xã hội, còn gọi là “VAT chống chuyển công ty ra nước ngoài,” thuế đánh vào các giao dịch tài chính và điều chỉnh tuần làm việc 35 giờ.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp, Tổng thư ký công đoàn CFDT cho rằng, các biện pháp đưa ra “không có tác dụng gì đối với việc tạo việc làm” và kịch liệt phản đối thuế VAT xã hội vì lo ngại việc tăng thuế VAT sẽ làm giảm sức mua của người dân.

Tổng thư ký công đoàn CFDT cho rằng, chỉ có “một vài biện pháp hữu ích” hỗ trợ người lao động, còn lại đa số vẫn “rất mơ hồ,” nhất là liên quan đến nguồn tài chính cho các biện pháp này.

Các công đoàn lớn của Pháp bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đối thoại để đi đến những thỏa thuận mang tính căn bản giải quyết được nạn thất nghiệp đang rất cao ở Pháp./.

  • (TTXVN/Vietnam+)