Phông chữ

Tổng thống Đức Christian Wulff đã trở thành tâm điểm chỉ trích từ chính các đồng minh của mình vì không tiết lộ chi tiết khoản vay mua nhà - vốn là vấn đề trung tâm của vụ bê bối có thể phải trả giá bằng chính vị trí của ông cũng như ảnh hưởng đến Thủ tướng Angela Merkel.

Ông Wulff hiện đang hứng chịu nhiều áp lực do việc đã cố gắng ngăn chặn tờ báo bán chạy hàng đầu nước Đức - Bild - không xuất bản câu chuyện về khoản vay mua nhà mà ông đã nhận từ vợ một người bạn làm doanh nhân giàu có năm 2008.

Chủ tịch Hạ viện Đức Norbert Lammert đã "tổng kết" sự thất vọng của rất nhiều nghị sĩ khi ông nói với tạp chí Stern rằng, có sự "mất niềm tin rất lớn" trong văn phòng của Tổng thống.

Ông Wulff đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức của các phương tiện truyền thông và nghị sĩ đối lập. Tuy nhiên, ông vẫn có sự ủng hộ của bà Merkel, người mong muốn không bị phân tâm khi cố gắng tập trung vào giải quyết cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro.

Trong nỗ lực làm lắng dịu sự phản đối của người dân về vụ bê bối, Tổng thống Đức đã xuất hiện trên truyền hình tuần trước và thừa nhận sai lầm khi gọi điện thoại cho tổng biên tập báo Bild.

Ông Wulff nói rằng, sẽ đăng tải trên Internet 400 câu hỏi và trả lời về khoản vay của mình. Nhưng các luật sư của ông đã từ chối và thay vào đó là công bố bản tóm tắt về quan điểm của Tổng thống Đức.

Một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Merkel, ông Peter Altmaier nói rằng: “Tôi hy vọng Christian sẽ quản lý chặt các luật sư và đưa các câu hỏi/trả lời lên Internet".

Ông Wulff khi làm thống đốc bang Hạ Sachsen đã có một khoản vay cá nhân để mua nhà. Sau khi xuất hiện trên truyền hình xin lỗi tổng biên tập báo Bild, ông đã từ chối chấp thuận công khai bản sao tin nhắn ông để lại trong máy điện thoại của vị tổng biên tập báo. Theo báo chí Đức, ông Wulff đã đe dọa "chiến tranh" trong tin nhắn nếu câu chuyện về khoản vay được xuất bản.

Vị trí tổng thống ở Đức mang nặng tính nghi thức, nhưng lại được coi là chuẩn mực đạo đức, đại diện cho các giá trị của quốc gia như tự do báo chí. Chính vì thế, các công tố viên khẳng định không thấy bằng chứng phạm tội liên quan tới khoản vay và sẽ không điều tra nhưng giới phê bình đã đặt câu hỏi về sự chính trực của ông Wulff.

Các phe đối lập ngoài việc lên án ông Wulff còn chỉ trích cả bà Merkel và đảng bảo thủ. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của hãng Forsa cho thấy, tỉ lệ tín nhiệm của đảng này đã tăng 1% lên 36%. “Mọi người không phê phán Merkel. Họ đơn giản là phán xét hành vi của Tổng thống", phụ trách hãng Forsa - Manfred Guellner nói. Vị này còn nhấn mạnh, phần lớn người Đức không coi tổng thống là nhân vật của một đảng.

Vụ bê bối bắt đầu từ tháng trước khi các phóng viên báo Bild bắt đầu điều tra về một khoản vay cá nhân mà ông Wulff nhận được từ vợ của một người bạn doanh nhân giàu có khi ông còn là thống đốc bang Hạ Sachsen. Tổng thống Đức sau đó đã từ chối khi các câu hỏi đưa ra về việc ông có quan hệ với người bạn doanh nhân.

Theo đoạn trích mà Bild cung cấp cho giới truyền thông, trước khi Bild đăng bài báo nói về khoản vay trên, ông Wulff đã tìm cách liên lạc với ông Diekmann nhưng không thành công vì ông này đang đi công tác. Tổng thống Đức sau đó đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động của Tổng biên tập tờ Bild. Tin nhắn khá tức giận và ông Wulff đe dọa sẽ có “hậu quả”, thậm chí là "cuộc chiến", nếu tờ báo tung ra bài viết về khoản vay của ông.

  • Thái An (theo vnn, thestar)