Phông chữ

Năm 2011 sắp qua đi, để lại dư chấn của những cơn động đất về địa - chính trị mà không một nhà dự báo nào có thể đoán trước. Năm 2011 được đánh giá là cột mốc đánh dấu một chương mới của lịch sử thế giới hiện đại với cuộc khủng hoảng nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới cùng các nước phát triển ở châu Âu, sự sụp đổ hàng loạt của các nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm, chiến thắng mới của cuộc chiến chống khủng bố, việc xem xét lại năng lượng hạt nhân sau thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản… Báo Sài Gòn Giải Phóng bình chọn 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2011.


1. Mùa xuân Arab:
 Làn sóng biểu tình đòi cải cách kinh tế và mở rộng dân chủ của nhân dân các nước Bắc Phi và Trung Đông đầu năm 2011, lật đổ các nhà lãnh đạo cầm quyền gần 30 năm ở Tunisia (tháng 1), Ai Cập (tháng 2) và sau đó là cuộc can thiệp quân sự của NATO vào Libya, đưa đến cái chết của nhà lãnh đạo Libya Moanmar Gaddafi vào tháng 10-2011.

Cơn địa chấn chính trị này đã mở đường cho các thế lực Hồi giáo trở lại chính trường ở các nước Trung Đông và Bắc Phi và khiến phương Tây cũng hết sức lo lắng dù trước đó chính họ cổ vũ cho làn sóng biểu tình ở các nước này. Đến cuối năm 2011, vẫn tiếp tục xảy ra các cuộc biểu tình ở nhiều nước như Yemen và Syria, kể cả ở những nước đã có thay đổi chính phủ vì người biểu tình vẫn chưa hài lòng với chính quyền mới.

Biểu tình lớn dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak vào ngày 11-2-2011.

2. Nỗ lực giảm căng thẳng trên biển Đông: Năm 2011 có thể được xem là năm nỗ lực giải quyết những căng thẳng trên biển Đông, nổi bật là vai trò của ASEAN. Hàng loạt các hội nghị, kể cả chuyên đề và thường niên về biển Đông được tổ chức. Đặc biệt, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Indonesia đã chủ động đưa vấn đề biển Đông vào nội dung của các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN với các đối tác. Kết quả lớn nhất là các nước ASEAN và Trung Quốc cùng đồng ý giải quyết tranh chấp biển Đông dựa theo tinh thần Tuyên bố về Quy tắc ứng xử biển Đông (DOC). Ngoài ra, các nỗ lực song phương giữa 3 nước Việt Nam - Trung Quốc và Philippines thông qua hàng loạt chuyến thăm cấp cao cũng đã góp phần đáng kể làm giảm căng thẳng trên biển Đông.

3. Phong trào biểu tình Chiếm lấy phố Wall: Ngày 17-9, 20.000 người đã bắt đầu cuộc biểu tình Chiếm lấy phố Wall ở khu vực Hạ Manhattan, trung tâm tài chính của New York, Mỹ. Cảm hứng của phong trào truyền đi khắp thế giới và bị chính quyền nhiều nơi trấn áp mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh phản đối tình trạng bất công nghiêm trọng trong xã hội Mỹ khi 1% dân số Mỹ gồm những tỷ phú nắm giữ 99% tổng tài sản cả nước và chi phối nền chính trị, 99% còn lại chỉ nắm giữ 1% tài sản và không có tiếng nói trên chính trường.

4. Thảm họa kép động đất - sóng thần ở Nhật Bản: Ngày 11-3, trận động đất 9 độ richter ngoài khơi bờ biển phía Đông Nhật Bản gây ra những đợt sóng thần cao đến 38,9m quét qua nhiều vùng ven biển khu vực Tohoku, đã cướp đi sinh mạng của 15.703 người và làm gần 5.000 người mất tích. Thiệt hại kinh tế gần 210 tỷ USD, hậu quả nghiêm trọng hơn là khủng hoảng Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, khiến nhiều nước trên thế giới phải xem xét loại bỏ điện hạt nhân. Tuy nhiên, thảm họa kép đã làm thế giới ngưỡng mộ tinh thần và văn hóa của người Nhật ứng xử với nhau khi khốn khó, giúp “quyền lực mềm” của xứ hoa anh đào tăng lên.

Sóng thần ở Nhật Bản tháng 3-2011.

5. Palestine là thành viên của UNESCO: Ngày 31-10, Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Văn hóa Khoa học giáo dục LHQ (UNESCO) sau khi đạt được 107 phiếu thuận (14 phiếu chống và 52 phiếu trắng) trong cuộc bỏ phiếu tại khóa họp thường niên Đại hội đồng UNESCO ở Paris. Hậu quả, Mỹ quyết định ngừng tài trợ cho UNESCO. Lễ thượng cờ Palestine đã diễn ra tại trụ sở UNESCO ở Paris ngày 13-12. Trước đó Palestine cũng đệ đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.

6. Khủng hoảng nợ công khu vực đồng tiền chung châu Âu: Khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) lan rộng trong năm 2011 đe dọa sự sụp đổ của đồng EUR. Vào phút chót, các quốc gia thành viên đã quyết tâm không để kịch bản EU tan rã xảy ra khi đạt được thỏa thuận cơ bản về thắt chặt kiểm soát tài chính tại Hội nghị Brussels đầu tháng 12-2011. Tuy nhiên, nó cũng để lại hậu quả là một Liên minh châu Âu chia rẽ giữa Anh và các nền kinh tế đầu tàu của EU là Pháp và Đức cùng các nước sử dụng đồng EUR.

7. Cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden: Ngày 2-5-2011, biệt kích Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trong cuộc đột kích ở thị trấn Abbottabad, Pakistan, đánh dấu bước ngoặt mới cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, thành công trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ lại khiến quan hệ hai đồng minh chống khủng bố Mỹ và Pakistan rạn nứt. Pakistan và chính cơ quan nhân quyền của LHQ cũng khẳng định hành động của Mỹ là xâm phạm lãnh thổ và chủ quyền nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.

Báo chí thế giới đưa đậm thông tin cái chết của Osama bin Laden.

8. Cơn sốt giá vàng: Giá vàng tăng nhanh đột ngột vào tháng 8 năm nay khi bất ngờ lên đến 1.900 USD/ounce. Lý giải cho nguyên nhân này, các nhà phân tích cho rằng do kinh tế Mỹ suy thoái, châu Âu loay hoay giải quyết khủng hoảng nợ, sự sụt giảm niềm tin của giới đầu tư vào đồng USD, EUR, biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Tuy vậy, bắt đầu tháng 9, giá vàng tụt giảm khi Mỹ và châu Âu tung ra nhiều biện pháp cắt giảm lãi suất cơ bản, xuống mức 1.757 USD/ounce trong cuối năm nay.

9. Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời: Nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã qua đời vào ngày 17-12, thọ 69 tuổi, sau một cơn đau tim. Suốt 17 năm cầm quyền, quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với các nước phương Tây rất căng thẳng, đặc biệt là tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này. Và đúng như dự đoán của thế giới, con trai út Kim Jong-un được chọn làm người thay thế ông nhưng dưới sự cố vấn của quân đội. Vấn đề dư luận hết sức quan tâm là CHDCND Triều Tiên sẽ thay đổi như thế nào sau sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong-il.

Bức ảnh lịch sử ghi lại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il năm 2000.

10. Kết thúc 30 năm tàu con thoi: Chiều 21-7, tàu con thoi Atlantis của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hạ cánh xuống Trung tâm vũ trụ Kennedy, Florida, chấm dứt 30 năm hoạt động của chương trình tàu con thoi của Mỹ vốn tiêu tốn đến 209 tỷ USD. Chương trình trên gồm 5 tàu con thoi Atlantis, Challenger, Columbia, Discovery và Endeavour. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện ngày 12-4-1981. Tàu Challenger và Columbia bị phá hủy trong hai vụ tai nạn hồi năm 1986 và 2003 khiến 14 phi hành gia thiệt mạng. Các tàu con thoi từng tham gia chương trình trên sẽ được trưng bày tại các viện bảo tàng.

  • Theo SGGP