Phông chữ

Đức, Pháp và Hà Lan đã triệu hồi phái bộ ngoại giao của họ tại Iran về nước để tham vấn khả năng đóng cửa tạm thời cơ quan đại diện ở nước này, theo Hãng tin AP ngày 30-11.

Na Uy cũng nói họ đã đóng cửa đại sứ quán tại Tehran vì lý do an ninh. Sự việc diễn ra sau sự cố ngoại giao nghiêm trọng giữa Anh và Iran hai ngày qua. 

Trước đó, Ngoại trưởng Anh William Hague đã tuyên bố đóng cửa đại sứ quán, đồng thời ra lệnh cho tất cả các nhà ngoại giao Iran phải rời lãnh thổ Anh trong 48 giờ.

Ông Hague, phát biểu trước Quốc hội Anh ngày 30-11, khẳng định Anh đã rút mọi nhân viên thuộc ngoại giao đoàn khỏi Iran, đồng thời yêu cầu nước này đóng cửa sứ quán tại London.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Anh khẳng định hành động này không có nghĩa cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa Anh và Iran, mà chỉ hạ thấp mức quan hệ ngoại giao. Theo BBC, có khoảng 70.000 người mang quốc tịch Iran hiện đang ở Anh. Ngoài Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Áo và Ý cũng tuyên bố họ đang cân nhắc khả năng rút ngoại giao đoàn về nước.

Trao đổi về các biện pháp mới chống lại Iran dự kiến sẽ là chương trình nghị sự chính của các bộ trưởng ngoại giao châu Âu trong cuộc họp hôm nay 1-12 (giờ địa phương). BBC cho biết các bộ trưởng cũng sẽ xem xét báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về tình hình hạt nhân ở Iran. Chính vào lúc Anh đang vận động cho các biện pháp cấm vận mới ở châu Âu thì đại sứ quán nước này tại Tehran bị tấn công.

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Bernard Valero nói chính phủ của Tổng thống Nicolas Sarkozy đang chuẩn bị các đề xuất cấm vận chưa từng có với Iran, bao gồm việc phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương nước này và cấm nhập khẩu dầu mỏ.

Tại Tehran, thông báo ngày 29-11 của Bộ ngoại giao nói Iran lấy làm tiếc về sự kiện này. Phó cảnh sát trưởng Ahmad Reza Radan cũng khẳng định một số người biểu tình đập phá Đại sứ quán Anh đã bị bắt giữ, còn những người khác đang bị truy lùng, theo Hãng tin Iran Mehr News. Tuy nhiên, một số nghị sĩ Iran ngày 30-11 đã lên tiếng bày tỏ sự thông cảm với những người biểu tình.

Người đứng đầu về mặt tôn giáo trong Quốc hội Iran Mohammad Taqi Rahbar cho rằng hành động của các sinh viên biểu tình là một lời cảnh báo với chính quyền Anh, “cho thấy sự kiên nhẫn của người dân Iran là có giới hạn”. Rabbar cũng so sánh hành động của các sinh viên với những người đã tiến hành cuộc tấn công và bắt giữ con tin trong tòa đại sứ Mỹ hồi năm 1979, theo Tehran Times.

  • HẢI MINH, tuoitre