Phông chữ

Đối với nước Pháp, AAA - điểm cao nhất trong bảng xếp hạng của các cơ quan thẩm định tài chính - thêm lung lay. Sau khi Standard & Poor's đã loan nhầm tin hạ điểm tín nhiệm của Pháp và đã phải đính chính, đến lượt Moody’s đòi xét lại mức độ tin cậy đối với nợ công của Paris. Tại sao trong mắt các nhà đầu tư, nước Pháp đang bị loại khỏi câu lạc bộ với khá ít thành viên còn giữ được AAA?

AAA là điểm an toàn cao nhất còn được xem là chiếc chìa khóa mở ra tất cả các « kho bạc » cho một tập đoàn, hay một nhà nước cần huy động vốn. Ngày 21/11/11 Moody’s một lần nữa lại lên tiếng đe dọa hạ điểm tín nhiệm của Pháp. Hậu quả trực tiếp là chỉ số chứng khoán của Paris hôm qua rơi mạnh (-3,4 %).

Cơ quan xếp hạng tín dụng này của Mỹ giải thích : « viễn cảnh tăng trưởng kinh tế và khủng hoảng (niềm tin) về nợ công của châu Âu là những yếu tố gây nhiều rủi ro » cho nền kinh tế Pháp. Mood’y ghi nhận là chính phủ Pháp đã có những nỗ lực để giảm bớt nợ công, thu hẹp bội chi ngân sách đang từ 7,10 % GDP trong tài khóa 2010 xuống còn 3 % vào năm 2013 nhờ kế hoạch cát giảm chi tiêu hơn 17 tỷ euro trải dài trong giai đoạn 2012 -2016 vừa công bố hôm tuần trước.

Nhưng Moody’s hoài nghi về khả năng đài thọ chính sách an sinh xã hội tốn kém trong bối cảnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước Pháp cứ thu hẹp lại dần, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro và tăng trưởng toàn cầu đang bị chựng lại.

Nội các Fillon dự báo tổng sản phẩm nội địa của Pháp vào năm tới chỉ tăng 1 % thay vì 1,75 % như đã loan báo. Khi tăng trưởng giảm sút, thuế của nhà nước thu vào cũng giảm theo. Mục tiêu thu hẹp bội chi ngân sách nhà nước càng khó thực hiện.

Spread ngày càng lớn giữa Pháp và Đức

Bên cạnh đó Moody’s đã tập trung chú ý vào một chỉ số gọi là « spread », tức khoảng cách về lãi suất công trái 10 năm do Paris phát hành so với công trái của Đức - nền kinh tế vững mạnh nhất của khối euro hiện tại. Khoảng cách « spread » đó ngày càng lớn. Thí dụ như Đức phát hành công trái 10 năm với lãi suất là 1 % thì đối với Pháp, lãi suất ấy phải là 2,5 %. Theo ước tính của Moody’s cách biệt về giá cả đó càng lớn chừng nào, gánh nặng nợ nần của Pháp lại càng lớn chứng đó.

Nếu cách biệt « spread » giữa Pháp và Đức chỉ là 1 điểm thì chính phủ Pháp đã phải chi thêm 3 tỷ euro một năm cho các chủ nợ. Nhìn dước góc độ đó, Moody’s cho rằng, trong tương lai, Pháp sẽ phải vay tín dụng với lãi suất ngày càng cao.

Trên thực tế cơ quan AFT đặc trách về vấn đề quản lý công quỹ của nhà nước Pháp cho biết trong 11 tháng đầu năm lãi suất đi vay trung và dài hạn của Pháp (2,78 %) vẫn còn thấp so với mức trung bình thị trường (3,9%). Tổng nợ công của Pháp hiện lên tới 1 700 tỷ euro, tương đương với 85 % GDP. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nền công nghiệp khác như Nhật hay Mỹ và cũng thấp hơn so với con số 120 % GDP của nước Ý.

Bảo toàn AAA, nhiệm vụ bất khả thi ?

Một tháng trước đây, cũng Moody’s từng cảnh báo về khả năng hạ điểm tín nhiệm của Pháp. Hôm 10/112011 tập đoàn Standard & Poor's đã phát tán nhầm một bản tin với nội dung là Pháp đã đánh mất ba chữ A quý giá. Ngay sau đó Standard & Poor's đã cải chính tin này và khẳng định là tình hình tài chính của nước Pháp vẫn « ổn định »

Trước áp lực ngày càng lớn của các công ty thẩm định tài chính, chính phủ Fillon trong chưa đầy ba tháng đã liên tục cho ra đời hai kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Nhưng trong mắt của nhiều nhà đầu tư và tài chính, hai kế hoạch đó không đủ khả năng đảo ngược tình thế của nước Pháp. Chuyên gia tài chính và kinh tế Jacques Attali, nguyên là cố vấn của tổng thống François Mitterrand và cũng là người từng đứng đầu Ngân hàng Tái thiết châu Âu BERD trả lời :

« Điều quan trọng nhất là bất kỳ một quốc gia nào khi đi vay cũng phải trấn an các nhà đầu tư. Trong trường hợp của Pháp, Paris phải trấn an được những chủ nợ đang nắm trong tay một khoản tiền tương đương với 85 % GDP của Pháp. Đương nhiên họ muốn khoản tiền này phải được hoàn trả khi đáo hạn. Đó là chuyện bình thường. Nhưng họ thấy là tới nay, nước Pháp không nỗ lực giải quyết nợ công hay thâm hụt ngân sách nhà nước.

Để giải quyết bội chi ngân sách, kinh tế Pháp cần tiết kiệm 75 tỷ euro trong 3 năm với điều kiện là GDP tăng 2 %. Trong giả thuyết tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn, tức là thuế thu vào sẽ giảm sút, thì chính phủ phải tìm kiếm thêm 100 tỷ euro để giải quyết thâm hụt ngân sách trong 3 năm liên tiếp, 2011, 2012 và 2013. Trong tài khóa năm nay Paris dự trù tiết kiệm 14 tỷ, sang năm là khoảng 20 tỷ. Tức là chúng ta còn rất xa mục tiêu 100 tỷ như vừa nêu ».

Nói cách khác, tất cả mọi người đều xem như Pháp đã đánh mất ba chữ A và điểm tín nhiệm nợ công của Pháp chỉ còn tương đương với hai chữ A. Câu hỏi đặt ra là liệu đến khi nào thì trên giấy tờ Pháp sẽ chính thức bị hạ điểm. Theo nhiều nhà quan sát, tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Điều này có thể xảy ra trước hoặc sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Điều quan trọng hơn cả theo ông Jacques Attali, là Pháp phải làm gì để chinh phục lại niềm tin của các chủ nợ ?

« Không cần nêu lên câu hỏi liệu Pháp sẽ có đánh mất 3 chữ A hay không. Vì trên thực tế chúng ta đã mất điểm son đó rồi. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chinh phục lại ba chữ A đó. Ba chữ A là một hình thức để nói với các nhà tài trợ rằng họ có thể cho một quốc gia hay một doanh nghiệp vay ở một mức lãi suất nào đó.

Phải thấy là thị trường không còn xem Pháp là một quốc gia được chấm điểm 3 chữ A nữa. Theo các nhà đầu tư thì nợ công của Pháp chỉ còn an toàn ở mức độ AA mà thôi. Bảo toàn được ba chữ A sẽ tránh cho nước Pháp rơi vào vòng xoáy khủng hoảng như là trường hợp của Hy Lạp, Ai Len, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý. Lãi suất ngân hàng đã tăng quá cao, hút hết cả sinh lực của các nền kinh tế nói trên.

Điều nguy hiểm là chúng ta đang cận kề vòng xoáy đó. Đến một lúc nào đó chúng ta phải ý thức rằng tiêu xài nhiều quá sẽ làm phương hại đến đà tăng trưởng kinh tế, mà nếu không có tăng trưởng, thì nhà nước không thể thu thuế » …

Cái bẫy của điểm son AAA

Thực ra, không chỉ riêng gì nước Pháp mà nhiều thanh viên khác trong khu vực đồng euro đều phải giải quyết chung một bài toán : Hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vẫn chưa được hoàn toàn khắc phục ; tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn èo uột ; châu Âu nói chung và khối euro nói riêng đang đau đầu về khủng hoảng nợ công của nhiều thành viên. Các động cơ tăng trưởng bị chựng lại. Thuế thu vào qua đó giảm đi theo. Các khoản chi tiêu về an sinh xã hội gia tăng cùng với tỷ lệ thất nghiệp. Mất cân bằng trong cán cân chi thu của ngân sách nhà nước, của các quỹ an sinh xã hội ngày càng lớn. Để tài trợ cho các khoản chi tiêu đó, và hỗ trợ kinh tế các chính phủ phải đi vay.

Khổ nỗi, khi kẻ đi vay càng nghèo thì lại càng phải mượn tiền của các chủ nợ với cái giá càng đắt. Đó là yếu tố giải thích vì sao trong lúc một nền kinh tế thịnh vượng như Đức thì chỉ phải trả lãi suất ngắn hạn là 1,9 % còn nước Ý của tân thủ tướng Mario Monti đang lao đao thì lại phải trả đến 7 % tiền lãi cho các chủ nợ.

Để thuyết phục được các chủ nợ cho vay với “giá phải chăng” thì một doanh nghiệp hay một quốc gia đều cần có được chiếc chìa khóa thần là ba chữ A, cho phép mở cửa tất cả các thị trường tài chính. Để giữ được ba chữ A quý báu đó, các con nợ đều đồng loạt cắt giảm chi tiêu. Các chính phủ từ Hy Lạp đến Ai Len, từ Ý đến Tây Ban Nha đều đã đổ khi phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để làm vừa long các nhà đầu tư, và trước hết là ba tập đoàn xếp hạng tín dụng quốc tế, Standard&Poor's, Moody’s và Fitch.

Vấn đề đặt ra trong trường hợp của Pháp là hai kế hoạch khắc khổ do nội các Fillon đề ra trong năm nay và đã được Quốc hội phê chuẩn đều không đủ sức để giúp nước Pháp đảo ngược tình thế. Chuyên gia tài chính ông Jacques Attali vừa nêu ra những con số cụ thể ở trên.

Về phần mình, giám đốc điều hành cơ quan tài chính Assyas Marc Touati cho rằng, các biện pháp khắc khổ chỉ nhằm giúp chính quyền Paris kéo dài thời gian thêm một vài tháng – có thể là Pháp sẽ còn duy trì được ba chữ A đến sau bầu cử tổng thống vào tháng 5/2012. Nhưng đây không phải là một giải pháp có thể đưa kinh tế của Pháp trở lại với con đường tăng trưởng.

Vì việc tăng thuế, giúp đem lại tiền mặt vào công quỹ nhà nước trong ngắn hạn nhưng lại làm phương hại đến các khoản tiêu thụ, đầu tư. Qua đó sẽ gây trở ngại cho việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại. Nói cách khác áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng không bảo đảm cho quốc gia có được chiến lược phát triển lâu bền. Theo ông Touati, trong tình huống cấp bách hiện nay, đòi hỏi các con nợ phải siết chặt thêm hầu bao để trả lãi cho các đại gia giàu có là một sự lựa chọn “nguy hiểm”.

Giống như một ông khổng lồ không thể đứng lâu bằng một chân. Áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để giảm bội chi ngân sách là một việc làm cần thiết vì không một tập đoàn hay một quốc gia nào có thể phát triển một cách lành mạnh với một khoản nợ khổng lồ. Nhưng bên cạnh việc siết lại các khoản chi tiêu và tăng thuế thì còn phải quan tâm đến tăng trưởng. bằng chứng là Moody's dọa hạ điểm nước Pháp, vì chưa nhìn thấy một tương lai tươi sáng gần kề.

Ba nhà thẩm định tài chính lộng quyền ?

90 % các hoạt động thẩm định tài chính của thế giới hiện được đặt trong tay ba đại gia là Standard&Poor's, Moody’s và Fitch. Nếu coi ba tập đoàn này là những người con cùng một nhà thì có thể nói là cậu em trai út giàu có hơn cả.

Được thành lập năm 1941, Standard&Poor's có mức doanh thu vào năm ngoái lên tới 2,9 tỷ đô la. Kế tiếp là ông anh cả Moody’s do nhà tài chính người Mỹ John Moody’s sáng lập năm 1909 với doanh số dao động ở khoảng 2 tỷ đô la. Cậu em thứ nhì không có được tầm ảnh hưởng rộng lớn như hai người kia : Fitch ra đời ngay tại New York năm 1913, vào năm 1997 đã được một nhà tài chính người Pháp mua lại. Năm ngoái doanh thu của cơ quan tài chính này chưa đầy 660 triệu đô la. Dù vậy cảnh báo của Fitch về mức độ rủi ro của nước Pháp cũng đủ để làm rúng động sàn chứng khoán Paris.

Mỗi thông cáo của một trong ba tập đoàn này đều có thể gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho một quốc gia phải đi vay tín dụng. Vậy mà ngày 10/11/2011 Standard&Poor's công bố nhầm quyết định hạ điểm tín nhiệm của Pháp và chưa đầy một tuần lễ sau đó, một bản thông báo khác của Standard&Poor's đã được bắn đi với hàng tựa “giật gân” : mức độ an toàn của Brazil cũng bị hạ điểm xuống còn BBB-. Ngay sau đó thì mọi người đã khám phá ra là điểm tín nhiệm đối với Brazil trên thực tế không hề bị suy xuyển. Bản tin “giật gân” nói trên một lần nữa là hậu quả của sự nhầm lẫn đáng tiếc mà Standard&Poor's đã phải lên tiếng xin lỗi.

Tuy nhiên việc một cơ quan thẩm định uy tín như Standard&Poor's liên tục nhầm lẫn đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi về vai trò, giới hạn của các nhà thẩm định tài chính như ba đại gia Standard&Poor's, Moody’s và Fitch.

Mọi người còn nhớ rằng, các đại gia của ngành thẩm định tài chính đã không hề trông thấy hai đại tập đoàn của Hoa Kỳ là Enron và Worldcom sụp đổ vào năm 2001 : bốn ngày trước khi tập đoàn Enron bị xóa sổ, Standard&Poor's và Moody’s vẫn dành cho con chim đầu đàn của ngành công nghiệp năng lượng ở bang Texas này điểm tín nhiệm cao nhất.

Lại cũng Standard&Poor's, Moody’s và cả Fitch cũng không hề báo trước cơn lốc của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc bắt nguồn từ nước Mỹ. Không một cơ quan thẩm định nào đã trông thấy mức độ rủi ro của các sản phẩm tài chính phức tạp đang biến dạng trở thành “nợ thối” cho đến khi chúng vật ngã các ông khổng lồ của ngành ngân hàng, bảo hiểm như Lehman Brothers hay AIG vào năm 2008.

Điều đáng nói là cả vụ phá sản của Enron, lẫn trận đại hồng thủy tài chính hồi tháng 9/2008 đều đã không làm sứt mẻ uy tín của các tập đoàn thẩm định tài chính. Ngược lại khủng hoảng nợ công mà quốc tế đang trải qua như càng củng cố thêm quyền lực của các cơ quan này.

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, ngày 05/08/2011 nước Mỹ đánh mất ba chữ A quý giá. Sau Chú Sam, các cơ quan tài chính đã hạ gục nhiều chính phủ, từ Ai Len, đến Hy Lạp, Ý và gần đây nhất là chính phủ cánh tả của thủ tướng Zapatero bên Tây Ban Nha.

Lại cũng ba tập đoàn Standard&Poor's, Moody’s và Fitch đang “khủng bố” tinh thần các lãnh đạo của Pháp, khi thị trường cầm bằng là Paris sẽ đánh mất ba chữ A.

Một số nhà phân tích cho rằng các cơ quan thẩm định tài chính như muốn đổ thêm dầu vào lửa, tạo thêm hoang mang trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay : Một điểm xấu càng khiến các nhà tài trợ do dự cho nước Pháp vay tiền. Vào lúc Pháp phải giải quyết vấn đề nợ công, giảm bội chi ngân sách, các dự phóng tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa, mất đi ba chữ A sẽ là một tai họa. Chỉ có một chiếc đũa thần mới mong đưa nước Pháp ra khỏi bế tắc.

Chính vì lý do này mà Ủy ban châu Âu đã nghĩ tới khả năng “xét lại” tầm hoạt động của các nhà thẩm định tài chính như Standard&Poor's, Moody’s hay Fitch. Kế hoạch ấy đã phải tạm gác lại, vì bên cạnh tranh cãi về những lý do thuần túy kỹ thuật, còn phải kể đến những yếu tố “chính trị” và thế lực của giới tài chính quốc tế.

  • Thanh Hà, RFI