Phông chữ

Lo sợ Trung Quốc nổi lên mạnh mẽ, chính khách Mỹ, đặc biệt là của đảng Cộng hòa ấp ủ ý đồ “hạ bệ” đối thủ nhờ "cách mạng internet".

Từ xưa đến nay, việc chỉ trích Trung Quốc nhằm kiếm thêm phiếu bầu từ cử tri của các ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa không phải là điều mới mẻ ở Mỹ. Song nhiều người vẫn băn khoăn về việc cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman tuyên bố lập trường “chống Trung Quốc” trong cuộc tranh luận mới đây. Họ không biết đây là hành động vô tình hay hữu ý.


Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman cho rằng những người dùng internet ở Đại lục đang làm thay đổi quốc gia này. Ảnh minh họa: Theatlanticright.

Ông Huntsman nhận định, Trung Quốc có 500 triệu người dùng Internet; trong đó có 80 triệu blogger. Đây là lực lượng đang "mang lại những đổi thay, chẳng hạn, sẽ lật đổ chính quyền Bắc Kinh".

Cùng với nhận định trên, ông Jon Huntsman vẽ ra bức tranh màu hồng cho các cử tri Mỹ: “Chúng ta nên tiếp cận với tất cả các trợ thủ đắc lực của chúng ta ở bên trong Trung Quốc. Chúng ta có cơ hội đi lên, giành lại sức mạnh kinh tế. Đó là tất cả những gì tôi muốn làm nếu trở thành Tổng thống”.

Và không có gì khó hiểu khi ngay sau cuộc tranh luận gây tranh cãi này, phía Trung Quốc có phản ứng. Tờ báo lớn của Đại lục là Global Times lập tức đưa ra cảnh báo rằng, tuyên bố của ông Huntsman không nên chỉ được xem như là chiêu vận động suông nhằm kiếm phiếu bầu mà nó rõ ràng phản ánh suy nghĩ “thầm kín” của nhiều chính khách Mỹ.

Do đó, nếu lập trường “hạ bệ Trung Quốc” của ông Huntsman được tích hợp vào chính sách quốc gia và phát triển, trở thành lập trường chung của cả nước Mỹ hoặc nếu người Mỹ tin rằng Washington sẽ đi lên trên sự tụt dốc của Bắc Kinh thì thế kỷ 21 sẽ khó là thế kỷ hòa bình.

Thay vào đó, chiến tranh lạnh Trung – Mỹ có thể là yếu tố chính, chi phối quan hệ hai nước cũng như cục diện thế giới.

Chưa dừng lại, Global Times cho rằng, thời đại bùng nổ Internet đang tạo ra nhiều đổi thay trong lòng Đại lục. Một bộ phận người Trung Quốc không giấu giếm lập trường chống đất nước và sẵn dàng hợp tác với phương Tây mưu đồ phá hoại Bắc Kinh. Trong khi đó, các thế lực chống phá bên ngoài luôn không ngừng lợi dụng sự bùng nổ công nghệ thông tin để dễ dàng kích động các hoạt động chống phá nhà nước.

Ngoài ra, Global Times bình luận thêm rằng, sự sụp đổ của Liên Xô từng đóng góp và thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ nên nay có vẻ như ông Huntsman đang tìm cách thúc đẩy sự tan rã và sụp đổ của Bắc Kinh để bảo vệ sức mạnh kinh tế cũng như địa vị bá chủ toàn cầu của người Mỹ.

Đồng thời, tờ báo này cũng lên án cái mà họ cho là giảo hoạt  và đạo đức giả của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ khi sự thịnh vượng và hòa bình thế giới dường như không nằm trong các chương trình nghị sự của Mỹ.

Cuối cùng, Global Times nhấn mạnh, bất chấp thiện chí và những nỗ lực từ phía Chính phủ Trung Quốc, các thế lực bên ngoài vẫn không ngừng giữ thái độ thù địch đối với Bắc Kinh. Nhận thức được điều này sẽ giúp Bắc Kinh đề ra chiến lược ứng phó nhằm phá vỡ mọi tham vọng “hạ bệ” Trung Quốc từ các thế lực thù địch bên ngoài.

  • Lê Dung (Theo DatViet, The Global Times)