Phông chữ

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 8/11 đã tới thành phố Lubmin ở Đông Bắc nước Đức và cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel cắt băng khánh thành tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên trong hệ thống đường ống mang tên Dòng chảy phương Bắc, nối từ Nga đến Đức đi qua biển Baltic.

Sự kiện này đánh dấu hoạt động vận chuyển khí đốt từ Siberia tới châu Âu thông qua tuyến đường ống đầu tiên trong số hai hệ thống đường ống dài 1.200km đi qua biển Baltic.

Đây là dự án liên doanh trị giá 7,4 tỷ euro giữa Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga với các công ty BASF và EON của Đức, công ty Gasunie của Hà Lan và công ty GDF Suez của Pháp

Tham dự lễ khánh thành công trình mang ý nghĩa an ninh năng lượng quan trọng này đối với khu vực châu Âu còn có đại diện hai nước có công ty cổ phần tham gia dự án là Thủ tướng Hà Lan Mark Ryutte và Thủ tướng Pháp Francois Fillon và Cao uỷ châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Gyuter Wettinger.

Cùng ngày trước đó, trong chuyến thăm chính thức Đức, tại thủ đô Berlin, Tổng thống Medvedev đã hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Christian Wulff và thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Đề cập vấn đề cấp thị thực xuất nhập cảnh cho công dân hai nước, Tổng thống Medvedev khẳng định Nga và Đức là các đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau, vì vậy việc đơn giản hóa thủ tục này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Tổng thống Medvedev cho biết, Nga đang xúc tiến đàm phán vấn đề này với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cho rằng đã đến lúc hai bên cần xóa bỏ cơ chế thị thực.

Theo ông Medvedev, chỉ có xóa bỏ cơ chế thị thực mới tạo ra được một châu Âu thống nhất trên cơ sở quan hệ đối tác toàn diện với nhau./.

  • Dự án “Putin-Schroder”

Cùng tham dự lễ khánh thành tại thành phố Lubmin, cảng Greifswald, Đức, với Tổng thống Nga Medvedev và Thủ tướng Đức Merkel là lãnh đạo các nước Pháp và Hà Lan, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ về năng lượng Nga với các nước Tây Âu. “Dòng chảy phương Bắc” chạy dưới biển Baltic, xuất phát từ Wyborg, Liên bang Nga đến điểm cuối là Tây Nam thành phố Lubmin.

Nga - Đức cùng khởi động Dòng chảy phương Bắc

Đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” tại thành phố Lubmin (Đức).

Dự án này thường được người châu Âu gọi vui là dự án “Putin-Schroder”. Bởi vì ý tưởng hình thành từ năm 2005, khi ông Gerhard Schroder làm Thủ tướng Đức và Thủ tướng Vladimir Putin làm Tổng thống Nga. “Dòng chảy phương Bắc” chính là một trong những kế hoạch năng lượng quan trọng của Thủ tướng Putin trên con đường đưa Liên bang Nga trở lại vị thế cường quốc năng lượng vốn có từ thời Liên bang Xô viết. Ông được đánh giá đã rất thành công trong việc thuyết phục nước Đức, cường quốc kinh tế số 1 châu Âu, tham gia dự án lớn này. Nga hiện cung cấp 30% khí đốt cho Liên minh châu Âu, nên việc Mátxcơva xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Bắc” cũng nhằm mục đích tránh sự gián đoạn nguồn cung cho các khách hàng Tây Âu, trong bối cảnh thường xuyên xảy ra tranh cãi giữa Nga và một số nước trung chuyển, trong đó có Ukraine. Nhưng nhiều nước châu Âu đã chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng việc xây dựng đường ống này sẽ khiến Tây Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga cũng như làm phương hại nỗ lực tự do hoá thị trường năng lượng của lục địa này.

  • Nâng tầm quan hệ chiến lược

Trong khuôn khổ chuyến công du Đức, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hội đàm với Tổng thống Christian Wulf, Thủ tướng Angela Merkel. Lãnh đạo hai nước bàn những biện pháp thúc đẩy các dự án hợp tác công nghệ cao nhằm thực hiện chương trình “Nga -Đức: Quan hệ đối tác vì hiện đại hoá”, đồng thời thảo luận thúc đẩy kinh tế, thương mại, văn hoá. Đức là một trong những đối tác thương mại nước ngoài chủ yếu của Nga, chỉ sau Trung Quốc. Năm 2010, Đức mua của Nga 39 tỷ m³ khí đốt và Mátxcơva hy vọng sẽ tăng thêm lượng nhiên liệu bán cho Berlin sau khi đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” được đưa vào hoạt động. Đối với Berlin, thắt chặt quan hệ hợp tác với Mátxcơva không chỉ khẳng định tầm quan trọng của Nga trong chính sách đối ngoại của Đức mà còn thể hiện rõ nét chiến lược hướng Đông mà Berlin theo đuổi suốt thời gian qua. Ngược lại, với Nga, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất tại châu Âu.

Bất chấp những hậu quả do cơn địa chấn tài chính toàn cầu gây ra, kim ngạch thương mại song phương Nga - Đức vẫn duy trì ở mức cao, gấp hơn 3 lần trong thập kỷ qua, từ 15 tỷ USD năm 1998 lên tới 51,8 tỷ USD năm 2010. Trong 8 tháng đầu năm 2011, con số này đã tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 45,6 tỷ USD và dự kiến cuối năm nay sẽ đạt mức 70 tỷ USD. 

  • THANH HẰNG/TTXVN