Phông chữ

Ngày 30/8, các nhà kinh tế Mỹ lại cảnh báo nguy cơ cơn lốc kinh tế có thể quét khắp châu Âu và Mỹ.

Mike Larson, nhà phân tích kinh tế của Tạp chí trực tuyến Tiền tệ và Thị trường nhấn mạnh cơn lốc kinh tế đang tràn đến châu Âu, tàn phá các nền kinh tế và đẩy các ngân hàng lớn của châu lục này đến bờ vực phá sản.

Thủ phạm gây ra cơn lốc kinh tế đó là việc các chính phủ cắt giảm nghiêm trọng ngân sách, lạm phát tăng cao và lòng tin tiêu dùng lao dốc.

Tai hoạ này không còn giới hạn trong các nền kinh tế sắp vỡ nợ như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Italy và Tây Ban Nha mà tràn khắp Liên minh châu Âu (EU) với những khoản nợ khổng lồ nhiều khả năng không bao giờ trả được.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức chỉ đạt 0,1% trong quý 2/2011, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu là Pháp hoàn toàn trì trệ.

Bão lốc kinh tế còn tràn ra ngoài EU khiến nền kinh tế lớn khác của châu Âu là Anh cũng rơi vào trì trệ.

Giới chuyên gia cảnh báo cơn lốc kinh tế đang thổi về phía Tây, vượt qua Đại Tây Dương và đã đổ bộ vào Mỹ.

Trong khi châu Âu cắt giảm chi tiêu trong nỗ lực tránh tan chảy tài chính, Mỹ lại nâng trần nợ với nhịp độ 10%/năm và hậu quả là uy tín tín dụng bị giảm lần đầu tiên trong lịch sử nước này.

Chính quyền các bang ở Mỹ đang buộc phải sa thải nhân viên và bán các công sở bang để tránh thảm hoạ tài chính.

Nền kinh tế đầu tàu thế giới lại rơi vào trì trệ với tỷ lệ thất nghiệp vẫn tồi tệ và thị trường bất động sản giảm 5-6% chỉ trong một tháng.

Mặc dù 70% hoạt động kinh tế Mỹ được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng nhưng lòng tin tiêu dùng ở nước này giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Nhiều nhà kinh tế đã nói đến ngày tận thế trong tương lai gần của nền kinh tế Mỹ.

Martin Hutchinson, nhà chiến lược đầu tư toàn cầu của Tạp chí trực tuyến Tiền tệ buổi sáng cảnh báo những bong bóng trái phiếu kho bạc Mỹ đang phồng lên. Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên trong 50 năm qua.

Các trái phiếu kho bạc Mỹ đang đối mặt với năm nguy cơ nghiêm trọng là lãi suất tiêu cực, lạm phát cao, mua bán hoảng loạn, sụp đổ toàn bộ và vỡ nợ.

Các nguy cơ này có thể làm nổ tung các bong bóng trên thị trường trái phiếu Mỹ, gây ra những biến dạng rất bất thường của nền kinh tế lớn nhất thế giới này./.

  • (TTXVN/Vietnam+)