Phông chữ

Thủ tướng Đức Angela Merkel tham dự buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày xây Bức tường Berlin, biểu tượng của Chiến tranh Lạnh.

Vào buổi sáng ngày 13 tháng Tám 1961, quân lính Đông Đức xuất hiện tại Cổng Brandenburg ở Berlin và bắt đầu giăng dây thép gai dọc đường biên giới.

Dần dần, hàng rào thép gai trở thành bức tường quanh khu phía Tây của thành phố, và là nơi lính biên phòng Đông Đức đã có những lần bắn chết những ai lẩn trốn.

Những chuyến tàu ra vào vùng phía Tây chạy bên dưới nhiều nơi của Đông Berlin mà không dừng lại. Những ga này trở thành "những nhà ga ma", trống trơn ngoài những lính biên phòng Đông Đức.

Kỷ niệm

Một phút yên lặng diễn ra lúc 12h giờ trưa để tưởng nhớ những người đã chết khi cố gắng chạy trốn. Buổi lễ giản dị được tổ chức ở Nhà thờ Hòa giải trên phố Bernauer, nơi bức tường cắt ngang thành phố. Trong suốt hàng chục trước khi nó bị phá bỏ, các gia đình ở hai bên đường đã không thể gặp nhau.
 
Nhà thờ Hòa giải cũng nằm trên mảnh đất nơi người ta đã từng phá bỏ một nhà thờ khác để có chỗ cho bức tường. Buổi lễ hôm nay có sự tham dự của Thủ tướng Angela Merkel, người lớn lên ở Đông Đức.

Thị trưởng Berlin, Klaus Wowereit, nói tại buổi lễ: "Bức Tường đã là lịch sử, nhưng chúng ta không được quên nó." Tổng thống Đức Christian Wulff nói nước Đức nay đã là một đất nước thống nhất vững chắc.

Không rõ số lượng người chết khi tìm cách vượt qua Bức Tường. Ít nhất 136 người được xác nhận bị giết, nhưng các nhóm ủng hộ nạn nhân thì nói con số thật là hơn 700. Nạn nhân đầu tiên được cho là Guenter Liftin ngày 24 tháng Tám 1961 và người cuối cùng là Chris Gueffroy vào ngày 6 tháng Hai 1989.

Mặc dù Bức Tường sụp đổ năm 1989, một số người vẫn xem nó là biểu tượng của chia cắt kinh tế ngày hôm nay giữa miền Tây giàu hơn và miền Đông nghèo hơn.

  • Theo BBC