Phông chữ

Việc Nghị viện châu Âu “bật đèn xanh” để tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) lắp đặt các máy soi an ninh toàn thân tại sân bay đang gây ra những phản ứng trái chiều.

Trong nghị quyết được thông qua ngày 6-7, Nghị viện châu Âu (EP) đã  biểu quyết ủng hộ việc lắp đặt các máy soi cơ thể (máy quét X-quang) tại các điểm kiểm tra an ninh tại sân bay ở tất cả các nước thành viên trong liên minh. Nghị quyết của EP được xem là tín hiệu đèn xanh cho một số quốc gia EU hiện còn đang tranh cãi hoặc lưỡng lự trong việc triển khai biện pháp thắt chặt an ninh hàng không này.

Sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, Mỹ là một trong những quốc gia triển khai hàng loạt biện pháp ngặt nghèo nhất để bảm đảm an ninh hàng không. Trong đó có biện pháp gây tranh cãi là lắp đặt các thiết bị soi toàn thân tại sân bay để kiểm tra hành khách trước khi lên máy bay.

Máy soi toàn thân hay còn gọi là “máy soi thấu cơ thể” là một thiết bị sử dụng các tia sóng cực ngắn như tia X có thể soi thấu bên trong quần áo, kể cả những bộ phận nhạy cảm cũng như cho thấy hành khách nào đeo khoen, bơm ngực... Do có thể nhìn được mọi bộ phận trên cơ thể hành khách như vậy nên máy soi cơ thể được coi là thiết bị kiểm tra an ninh vô cùng hiệu quả.

Tuy nhiên, cũng chính thiết bị soi toàn thân sẽ như “lột trần” hành khách nên việc sử dụng máy kiểm tra này bị cho là xâm phạm nhân quyền. Ngay tại nước Mỹ, nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom McClintock cũng cho rằng dùng máy soi toàn thân hành khách “chẳng khác gì lôi họ sang một bên và yêu cầu họ lột sạch quần áo ra”.

Bên cạnh đó, việc dùng máy quét X-quang cũng làm dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người. Song những người ủng hộ lắp đặt máy quét toàn thân trấn an rằng ảnh hưởng đó là không đáng kể vì kết quả nghiên cứu cho thấy 1 lần chụp phổi bằng X-quang tương đương với 1.000 lần đi qua máy soi tại sân bay.

Bất chấp còn ý kiến gây tranh cãi, một số quốc gia thành viên EU như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Italia và Phần Lan đã tiến hành thử nghiệm lắp các máy soi toàn thân tại sân bay. Việc lắp đặt các thiết bị an ninh này nhận được thêm nhiều sự ủng hộ sau sự kiện hành khách Abdul Mudallah đã giấu thành công thiết bị gây nổ lên chiếc Airbus A330 của hãng hàng không Mỹ Northwest Airlines chở 278 hành khách từ Amsterdam (Hà Lan) tới Detroit (Mỹ) vào đúng đêm Giáng sinh năm 2009.

Trong động thái được cho là nhằm xoa dịu những ý kiến phản đối, nghị quyết của EP để hành khách có quyền từ chối máy soi và chọn thiết bị kiểm tra cầm tay. Ngoài ra, EP cũng yêu cầu máy soi không được cung cấp những hình ảnh cơ thể con người “quá chi tiết”, mọi dữ liệu phải được xóa ngay lập tức và cấm loại máy quét X-quang sử dụng phóng xạ ion hóa để tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe hành khách.

  • Hoàng Tuấn, ANTD