Phông chữ

Trong bối cảnh dịch tiêu chảy chết người vẫn tiếp tục hoành hành tại Đức, xuất xứ của vi khuần Ecolis vẫn chưa được xác định rõ ràng. Liên Hiệp châu Âu đã cho triệu tập cuộc họp bất thường các bộ trưởng nông nghiệp và an toàn thực phẩm vào ngày 07/06/11tại Luxembourg để bàn về ảnh hưởng của vi khuẩn Ecolis gây bệnh và về khả năng trợ giúp các nhà sản xuất rau quả bị thiệt hại.

Ban đầu châu Âu đã dự trù cuộc họp bất thường trên vào ngày 17 tháng 6 nhưng vì tình hình cấp bách nên đã cho triệu tập sớm hơn.

Sau hai tuần dịch tiêu chảy do vi khuẩn Ecolis, phát ra chủ yếu tại nước Đức, đến giờ đã làm 22 người chết, số người nhập viện tại Đức vì bệnh dịch này vẫn tiếp tục tăng.

Ngay sau khi bệnh dịch bùng phát, cơ quan y tế của Đức đã vội vàng thông báo xuất xứ vi khuẩn Ecolis là dưa chuột nhập từ Tây Ban Nha đồng thời khuyến cáo dân chúng không nên tiêu thụ các loại rau quả sống. Thông tin này đã gây thiệt hại cho các nhà trồng rau không chỉ của Tây Ban Nha mà còn cả các nước khác trong châu Âu. Nhiều nước như Nga, Liban, Qatar đã cho ngừng nhập khẩu rau quả của Liên Hiệp châu Âu.

Trong khi đó cho đến giờ nguồn gốc mang mầm vi khuẩn Ecolis vẫn chưa được xác định rõ ràng vẫn chỉ là phỏng đoán. Tại Đức cuộc truy tìm thủ phạm mang vi khuẩn hôm nay lại hướng vào các loại mầm hạt, giá đỗ, một sản phẩm sạch đang được khai thác mạnh ở Đức.

Tuy nhiên rút kinh nghiệm lần xác định sai dấu vết mầm bệnh với dưa chuột Tây Ban Nha, các cơ quan y tế Đức lần này tỏ ra thận trọng. Tối qua, trên kênh truyền hình ARD, bộ trưởng Y tế Đức Daniel Bahr đã khẳng định nhiều dấu cho thấy nguồn lây nhiễm vi khuẩn là từ một công ty chế biến giá đỗ. Tuy nhiên ông cũng nói thêm là cần phải chờ kết quả phân tích từ phòng thí nghiệm sẽ được công bố trong ngày hôm nay (06/06/11).

Về thiệt hại trực tiếp lên con người, theo Trung tâm phòng chống và kiểm sóat bệnh của châu Âu thì từ đầu tháng năm đến nay đã có 22 người bị chết vì dịch tiêu chảy này, trong đó 21 người tại Đức và 1 tại Thụy Điển. Hơn 2000 trường hợp bị nhiễm vi khuẩn.

Năm 1996, một trận dịch tương tự cũng đã xảy ra tại Nhật Bản làm 8 người chết và hơn chục nghìn người bị nhiễm bệnh.

  • ANH VŨ, Theo RFI