feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Cùng chung số phận với các nước trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, châu Âu còn phải gánh chịu cuộc khủng hoảng nợ công của các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro.
Cắt giảm ngân sách quốc phòng để đối phó với khủng hoảng là xu thế chung của các nước châu Âu. Tuy nhiên, NATO vẫn chủ trương tiếp tục đầu tư, phát triển và thực hiện các nhiệm vụ quân sự bên ngoài lãnh thổ của khối. Vì thế, vấn đề cắt giảm ngân sách quốc phòng được các nhà nghiên cứu quân sự quan tâm.

Thắt chặt ngân sách, giảm chi tiêu công

Hiện nay, các nước châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là cuộc khủng hoảng đồng Euro. Một số nước châu Âu đã thực hiện chính sách thắt chặt ngân sách và giảm chi tiêu công. Vấn đề này đồng nghĩa với việc các thành viên chủ chốt của EU trong khối NATO sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng và có thể làm suy giảm sức mạnh quân sự của khối. Ngân sách quốc phòng của Anh có thể bị cắt giảm khoảng 20% trong giai đoạn 2014-2015. Đức và Pháp mỗi nước sẽ cắt giảm khoảng 6% ngân sách quốc phòng từ nay đến năm 2013 và tinh giảm khoảng 40.000 quân. Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đang lên kế hoạch cắt giảm đáng kể, các nước thành viên NATO khác cũng sẽ hành động tương tự. Trong vài năm tới, theo dự đoán, ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu sẽ giảm từ 10 đến 15%.

Trong vài năm gần đây, tổng chi cho ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu trong NATO đã giảm xuống chỉ còn 1,6% GDP, thấp hơn mức 2% theo đề nghị của lãnh đạo các nước NATO và quá ít so với mức 4% của Mỹ. Hiện nay, tổng chi cho ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu khoảng 210 tỉ euro/năm. Tuy nhiên, các nước EU chỉ chi 45 tỉ Euro dành cho đầu tư, thấp hơn mức cần thiết đề có thể giúp quân đội các nước châu Âu thực thi các nhiệm vụ mới. Mức ngân sách quốc phòng hiện nay của nhiều nước NATO đang ở mức “thắt lưng buộc bụng” và việc cắt giảm thêm sẽ càng làm vấn đề trầm trọng hơn.

Một cuộc thăm dò gần đây do tổ chức “Gallup Poll” cho thấy: Hơn 55% người dân châu Âu cho rằng ngân sách quốc phòng nên duy trì như mức hiện nay hoặc tăng thêm, do đó vấn đề giảm ngân sách quốc phòng rõ ràng không phải là do người dân. Nếu việc giảm ngân sách quốc gia là cần thiết để giảm thâm hụt chi tiêu công, ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì chính phủ các nước châu Âu có thể đã đánh giá sai lầm về chi tiêu cho ngân sách quốc phòng, coi đó là như là bề nổi chứ chưa xem đây là nhu cầu thiết thực cho chiến lược lâu dài.

Mối lo ngại này đang tăng lên do có quan điểm cho rằng lực lượng Gìn giữ Hoà bình Quốc tế (ISAF) đang thất bại tại Afghanistan và các mối đe dọa đối với châu Âu trong tương lai không thể được đảm bảo bởi việc bổ sung ngân sách quốc phòng. Ngược lại, việc các nước như Hà Lan, Canada và một số nước khác rút quân khỏi Afghanistan có thể làm giảm tính thống nhất của NATO cũng như niềm tin trong mối quan hệ xuyên Đại Tây dương.

Mâu thuẫn nảy sinh

Việc giảm ngân sách quốc phòng của các nước châu Âu, sự mất cân bằng trong đóng góp cho chiến dịch tại Afghanistan và việc một số nước muốn di chuyển tất cả các vũ khí hạt nhân của Mỹ ra khỏi châu lục này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng về niềm tin của Mỹ đối với các đồng minh châu Âu. Xét trên các phương diện an ninh chủ chốt, khoảng cách ngày càng lớn giữa Mỹ và châu Âu sẽ xuất hiện. Vì thế, việc này sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong NATO và sẽ giảm ảnh hưởng của châu Âu đối với thế giới.

Trên phương diện quân sự, việc cắt giảm ngân sách và lực lượng quân đội quá lớn có thể khiến các nước NATO (bao gồm cả Anh, Pháp, Đức) dễ mất đi những nguồn lực để thực thi các nhiệm vụ của mình trong NATO. Hiện tại, châu Âu đang có khoảng 2,3 triệu quân nhưng vẫn phải đối mặt với thiếu hụt trong triển khai và duy trì lực lượng lâu dài cũng như thiếu hụt khả năng để thực hiện các nhiệm vụ mới, đặc biệt các nhiệm vụ viễn chinh tại vành đai phía đông của NATO và bên ngoài châu Âu. Vì vậy, việc cắt giảm ngân sách và quân số có thể khiến NATO chỉ bảo vệ được biên giới truyền thống mà không có khả năng giải quyết các mối đe dọa mới nằm ngoài “khu vực” NATO. NATO hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Mâu thuẫn giữa cắt giảm ngân sách quốc phòng với mở rộng ảnh hưởng của khối ra ngoài khu vực thực sự là vấn đề không dễ giải quyết.

Kế hoạch 8 điểm

Để giải quyết mâu thuẫn trên NATO đưa ra kế hoạch 8 điểm tại hội nghị Thượng đỉnh Lisbon, Bồ Đào Nha vào tháng 11 - 2010:

1. NATO cần nỗ lực hơn nhằm khôi phục sự đồng thuận về mục đích và các nhiệm vụ của NATO. Mặt khác, cần thống nhất với nhau về các thách thức phải đối mặt cũng như vai trò của NATO trong việc giải quyết. Nếu không có sự đồng thuận, các nỗ lực nhằm ngăn cản việc cắt giảm ngân sách quốc phòng mạnh ở các nước châu Âu sẽ thất bại. NATO dự định thông qua một quan điểm chiến lược mới có tầm nhìn xa và bền vững tại hội nghị Lisbon. Những điểm cốt lõi của chiến lược mới được thể hiện trong báo cáo của cựu ngoại trưởng Mỹ Albright và các cộng sự, có tên “NATO 2020: Đảm bảo An ninh và Can dự Tích cực”. Báo cáo kêu gọi NATO cần mạnh mẽ và cải tổ để có khả năng thực thi những nhiệm vụ trong Điều khoản 5 về “bảo vệ an ninh nội địa và tiến hành các nhiệm vụ ở bên ngoài biên giới NATO”.

2. Trên cơ sở sự đồng thuận về chính trị, tại hội nghị Lisbon các lãnh đạo NATO cần cam kết một giới hạn về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhằm đảm bảo có một nguồn ngân sách ổn định, đầy đủ và có khả năng thực thi. Về mặt lý thuyết, các nước không nên cắt giảm ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, nếu ngân sách quốc phòng bị cắt giảm thì các nhà lãnh đạo NATO cần vạch ra một đường giới hạn nhằm hạn chế việc cắt giảm vô tổ chức và tạo tiền đề cho việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng trở lại một khi kinh tế các nước châu Âu được phục hồi.

3. NATO cần nêu cao trách nhiệm nhưng cũng sẽ cứng rắn trong việc thực hiện quyền lực của mình. NATO sẽ thực thi đầy đủ cam kết trong Điều khoản 5 đối với tất cả các nước thành viên, sẵn sàng xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường khả năng phản ứng nhanh để tái đảm bảo cho các nước vùng Baltic trước đe dọa của Nga, nhưng đồng thời NATO sẽ theo đuổi những chính sách chi phí thấp. Để đưa ra hướng dẫn cho việc thực thi các nhiệm vụ bên ngoài biên giới các nước NATO, hội nghị Lisbon chỉ rõ NATO sẽ bảo vệ mình trước các nguy cơ như chủ nghĩa khủng bố, tên lửa đạn đạo, phổ biến vũ khí hạt nhân. Đồng thời, NATO sẵn sàng sử dụng vũ lực bên ngoài châu Âu nếu cần thiết.

4. Các quốc gia NATO cần tiếp tục hợp tác với nhau trong vấn đề Afganixtan và các vấn đề hạt nhân. Vấn đề mà các nước châu Âu quan tâm nhất là cần tránh các hoạt động đơn phương đối với hai chủ đề trên mà theo đó sẽ khiến nước Mỹ quan ngại. Mỹ đang phải đơn phương đối phó với với các thách thức an ninh. ở Afganixtan, các nước châu Âu cũng cần tự cam kết để đạt được những kết quả tích cực và nên rút quân đúng như tiến độ với Mỹ. Đối với vấn đề hạt nhân, các nước châu Âu cũng cần đưa ra các chính sách trên cơ sở lợi ích của liên minh hơn là lợi ích của từng quốc gia. NATO cần nhận thức rằng việc triển khai hệ thống đánh chặn của Mỹ là cần thiết vì học thuyết quân sự của Nga dựa chủ yếu vào vũ khí hạt nhân đồng thời tôn trọng 5 điểm được đưa ra bởi ngoại trưởng Mỹ H. Clinton tại Tallin.

5. NATO cần thực thi việc cải tổ hệ thống nhân viên tại các sở chỉ huy, đơn giản hóa cơ sở mệnh lệnh quân sự và tạo cho cơ cấu này vận hành dễ dàng hơn. Hơn nữa, NATO cần giảm số lượng các cơ quan và ủy ban và loại bỏ các đầu tư lỗi thời. Những chính sách này sẽ chỉ ra phương hướng và tiết kiệm cho NATO, tuy nhiên những biện pháp khác nhằm tăng cường khả năng lên kế hoạch của NATO và củng cố vai trò của Bộ chỉ huy Đồng minh cũng cần thiết. Các nước châu Âu có khả năng sẽ cắt giảm quân số nhưng cũng cần tránh việc cắt giảm quá nhiều để duy trì sức mạnh quân sự.

6. NATO và các thành viên châu Âu cần đặt kế hoạch đầu tư và các ưu tiên mua sắm rõ ràng. Sự yếu kém trong việc triển khai lực lượng tại ngũ có thể được hạn chế nhờ các kế hoạch này vì nó cho phép triển khai 10% lực lượng của NATO vào bất kỳ thời điểm nào cũng như cung ứng các trang thiết bị lâu dài và bền vững. NATO cần lực lượng tinh nhuệ và có khả năng để bảo vệ biên giới phía Đông và tăng cường các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ NATO.

7. Các thành viên NATO tại châu Âu cần tăng cường hợp tác đa quốc gia. Hiệu quả hoạt động quân sự của châu Âu bị hạn chế do tất cả các nước thành viên vẫn còn phát triển và sử dụng quân đội của mình chủ yếu vì lợi ích của mỗi nước. Sẽ có nhiều sự thay đổi tích cực nếu các nước cùng đầu tư cho vũ khí và công nghệ mới, cùng góp vốn và chuyên môn hóa. Việc kết hợp giữa các nước sẽ làm cho vấn đề phòng thủ tên lửa, nâng cấp chiến lược, hỗ trợ hậu cần, tập trận chung … có tính khả thi cao hơn.

8. NATO cần mở rộng các hoạt động của mình với các quốc gia và các tổ chức khác. Trước đây nỗ lực của NATO chủ yếu tập trung vào việc mở rộng liên minh, an ninh cho khu vực Balkan và vấn đề Afganixtan, tuy nhiên hiện nay NATO cần được mở rộng để giải quyết nhiều kiểu thách thức an ninh. NATO có thể cung cấp cho các đối tác tiềm năng những tư vấn về an ninh, đổi lại các nước này cần đóng góp cho việc thực hiện các nhiệm vụ của NATO. Việc tăng cường đối tác cần phải có một nền tảng chính trị vững chắc nhưng phải đảm bảo duy trì được khả năng phối hợp trong các chiến dịch quân sự

Như vậy, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng không đồng nghĩa là NATO bị suy yếu đó là tham vọng lớn của các nhà lãnh đạo châu Âu. Từ trước đến nay, NATO đã phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thách thức mới nhất và lớn nhất là cải tổ và đổi mới hiện nay. Hạn chế cắt giảm ngân sách phòng để đối phó với khủng hoảng nợ công và mở rộng nhiệm vụ ra ngoài lãnh thổ châu Âu thực sự là mâu thuẫn không dễ điều hoà.

Nguyễn Nhâm
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.