Phông chữ
Ngày 9-3, câu chuyện về cá ba sa lại trở thành một chủ đề bị đưa thông tin sai lệch trên Đài Truyền hình Trung ương Đức ARD. Phóng sự của ARD mô tả việc nuôi cá basa ở Việt Nam, trong đó cho rằng người tiêu dùng Đức đã bị lừa dối về cá basa, một loại cá nước ngọt nghèo vitamin, ít dinh dưỡng và được nuôi dưỡng theo hình thức công nghiệp trong nguồn nước bị ô nhiễm, dùng hóa chất để tích tụ nước trong thân cá.

Hàng triệu con cá basa đã được nuôi và giết mổ trong điều kiện tồi tệ. Trước khi ARD phát phóng sự trên, nhiều báo điện tử Đức, trong đó có báo Spiegel cho rằng người tiêu dùng đã bị lừa, với mỗi cân filet cá basa, người ta phải trả 1 euro cho nước lã.

Còn nhớ năm ngoái, cá ba sa liên tục bị những quốc gia đề cao tự do hóa thương mại “đánh hội đồng”. Mở đầu là sự kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC), dưới áp lực của Hội Người nuôi cá nheo Mỹ (CFA) đưa ra kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 6 về việc áp thuế trên 100% đối với cá tra, basa fillet đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam nhằm bảo hộ cho thị trường nội địa. Đây là hành động thiếu công bằng, gây không ít sóng gió cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong khi chờ quyết định cuối cùng của DOC, cá tra, basa Việt Nam lại vướng vào “danh sách đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 - 2011 của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại một số nước châu Âu.

Không chỉ dừng lại ở đó, báo chí châu Âu liên tục gây áp lực cho cá tra, basa Việt Nam khi đăng những lời chỉ trích mang tính kích động cho rằng cá tra, basa nuôi ở Việt Nam là do “lao động nô lệ” sản xuất và làm hủy hoại môi trường tự nhiên trên sông Mekong. Brazil cũng gây áp lực cho Việt Nam khi áp thuế 35% đối với cá ba sa.

Trên thực tế, hiện nay hầu hết doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra, cá ba sa Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm xuất khẩu, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra, cá ba sa đã được cấp chứng nhận Gobal GAP, SQF, HACCP.

Kể từ khi góp mặt trên thị trường quốc tế đầu những năm 2000, cá ba sa, cá tra liên tục hứng chịu những cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2001, Mỹ từng đưa ra một đạo luật để không công nhận cá da trơn Việt Nam thuộc dòng catfish, cản trở cá của Việt Nam vào thị trường Mỹ, bảo vệ Hiệp hội cá nheo tại thị trường nước này.

Sau khi những mặt hàng này của Việt Nam vào Mỹ tương đối êm xuôi, các doanh nghiệp Mỹ lại kiện cá ba sa bán phá giá. Các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định, nhiều loại cá nuôi ở các nước nhập khẩu cá tra, cá ba sa từ Việt Nam vào không cạnh tranh nổi nên việc cá tra cố tình bị “bôi bẩn” ở một số thị trường là không thể tránh khỏi.

Thực chất, câu chuyện về con cá ba sa của ARD chỉ là điệp khúc xưa cũ về sự cạnh tranh không lành mạnh ở các quốc gia khi cảm thấy thị trường trong nước bị đe dọa. Điều bất hợp lý là điều này lại diễn ra ở các nước chủ trương tự do hóa thương mại trên toàn cầu. Tự do hóa thương mại là hoạt động không thể thiếu trong phát triển kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cạnh tranh không lành mạnh đã làm tổn hại đến sự phát triển chung đó cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường xuất nhập khẩu của các bên liên quan.

Về phần mình, dù liên tục bị nhiều sức ép, cá tra, cá ba sa của Việt Nam đã được WWF minh oan vào cuối năm ngoái. Điều này chứng tỏ, chất lượng thật sự đã, đang và sẽ tồn tại vững chắc trên thị trường quốc tế.

THANH HẰNG